ĐẶC ĐIỂM, TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI HUYỆN CHÂU ĐỨC TỪ KHI THÀNH LẬP HUYỆN ĐẾN NAY:
Huyện Châu Đức được thành lập và hoạt đồng từ tháng 8/1994 theo Nghị định số 45/1994/NĐ-CP ngày 02/6/1994 của Chính phủ, là một huyện nông nghiệp của tỉnh, phía bắc giáp huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai, phía nam giáp huyện Đất Đỏ và Thành phố Bà Rịa, phía tây giáp huyện Tân Thành, phía đông giáp huyện Xuyên Mộc. Tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 42.456,61 ha, toàn huyện đến nay có 16 đơn vị hành chính, gồm 15 xã và 1 thị trấn Ngãi Giao. Dân số trung bình của huyện hiện nay là 153.168 người, lao động trong độ tuổi là 110.218 người, lao động có việc làm 89.691 người chiếm 81,37% so với lao động trong độ tuổi.
Được sự quan tâm của các cấp, các ngành cũng như với sự nỗ lực của cán bộ và nhân dân toàn huyện, đến nay kinh tế Châu Đức tiếp tục tăng trưởng, hầu hết các chỉ tiêu, kế hoạch được thực hiện tốt, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật và phúc lợi xã hội được tăng cường. Toàn huyện đến nay có tổng chiều dài các tuyến đường giao thông là 895,90 Km (trong đó: đường bê tông nhựa và láng nhựa là 423,2km, chiếm 47%; đường đất là 472,7km, chiếm 53%); thương mại – dịch vụ đã tăng lên 6.400 cơ sở, doanh nghiệp với tổng số lao động tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh khoảng 9.900 lao động. Các ngành nghề hoạt động sản xuất, kinh doanh chủ yếu là: Xây dựng, thương mại, công nghiệp, giao thông vận tải, bán buôn, bán lẻ, v.v…; công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đã thu hút được nhiều nhà đầu tư vào khai thác, đặc biệt đã đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất sợi tại cụm công nghiệp Ngãi Giao, đang lập thủ tục đền bù, giải phóng mặt bằng và triển khai xây dựng hạ tầng khu Công nghiệp - Đô thị Châu Đức với quy mô diện tích khoảng 2.200ha, cụm công nghiệp Đá Bạc 1 với quy mô diện tích khoảng 75ha.
KẾT QUẢ 20 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN HUYỆN CHÂU ĐỨC
(15/8/1994-15/8/2014)
I. KINH TẾ - VĂN HÓA - XÃ HỘI, QUỐC PHÒNG - AN NINH :
1. Kinh tế:
Cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện hiện nay là : nông nghiệp 12,35%; Công nghiệp - xây dựng 48,782% và Thương mại - dịch vụ 38,864%.
Nhịp độ tăng trưởng kinh tế hàng năm : giai đoạn 1994-2014 theo giá cố định năm 1994 là 14,19% ; theo giá hiện hành là 18,07%.
Thu nhập bình quân đầu người hàng năm hiện nay theo giá thực tế khoảng 40.000.000 đồng.
1.1. Nông nghiệp:
Sau 20 năm xây dựng và phát triển, ngành nông nghiệp huyện Châu Đức đã đạt được những thành tựu đáng kể, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của nhân dân trên địa bàn. Giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn liên lục tăng trưởng hàng năm, tính theo giá so sánh đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 5,55%/năm; trong đó: trồng trọt tăng bình quân 4,4%/năm, chăn nuôi tăng 10,67%/năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp tính theo giá cố định tăng gấp 2,8 lần, tính theo giá hiện hành tăng gấp 9,3 lần so với 20 năm trước. Giá trị sản xuất tính theo giá hiện hành bình quân trên 01 ha đất canh tác đạt khoảng 90 triệu đồng/ha/năm, tăng 79 triệu đồng/ha/năm so với 20 năm trước.
Cơ cấu sản xuất nông nghiệp giữa trồng trọt - chăn nuôi đã và đang có sự chuyển dịch đúng hướng, từng bước tăng dần tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp. Đến nay, tỷ trọng giá trị sản xuất chăn nuôi chiếm 28% giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, tăng thêm 16,6% so với 20 năm trước. Đến nay, toàn huyện có 25 trang trại chăn nuôi heo với khoảng 30.000 con và 27 trại chăn nuôi gà, vịt với khoảng 220.000 con.
Về cơ cấu cây trồng, ngoài số diện tích canh tác hoa màu; ngành trồng trọt của địa phương có thế mạnh là cây công nghiệp và cây ăn trái. Cụ thể: cao su 10.284 ha chiếm tỷ lệ 24,2%; hồ tiêu 5.475 ha chiếm tỷ lệ 12,9%; cà phê 4.699 ha chiếm tỷ lệ 11,07%; cây điều 2.782 ha chiếm tỷ lệ 6,6% và cây ăn quả 2.022 ha chiếm tỷ lệ 4,8% so với diện tích của toàn huyện (42.456,61 ha).
1.2. Tài nguyên môi trường:
Tổng diện tích của huyện là 42.456,61ha; trong đó: đất thuộc đối tượng được cấp giấy chứng nhận là 36.669,68ha (bao gồm đất của cá nhân, hộ gia đình là 25.846,27ha và đất của tổ chức là 10.823,41ha); đất không thuộc đối tượng cấp Giấy chứng nhận là 5.786,93ha. Thời gian qua, huyện đã tập trung thực hiện công tác đo đạc bản đồ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn huyện; kết quả: so với năm 1994 khi thành lập huyện chỉ có 18.281 ha/42.456,61 ha đất được đo đạc lập bản đồ địa chính, chiếm tỷ lệ 43,05% và diện tích cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 5,63 ha, chiếm tỷ lệ 0,15%; cho đến nay, diện tích đất đã được cấp Giấy CNQSDĐ là: 34.937,85 ha/36.669,68ha, đạt tỷ lệ 95,34%.
Về khoáng sản, hiện nay trên địa bàn huyện có 02 khu mỏ puzolan đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép và 02 khu mỏ vật liệu san lấp được UBND tỉnh cấp phép đã đi vào hoạt động.
1.3. Kết cấu hạ tầng:
Trong 20 năm xây dựng và phát triển, Châu Đức đã triển khai đồng bộ quy hoạch xây dựng đô thị cũng như nông thôn. Đến nay toàn huyện có 02 đô thị đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch, đang trong quá trình triển khai thực hiện (đô thị Ngãi Giao và Kim Long); dự kiến đến cuối năm 2014, 14/14 xã sẽ hoàn thành công tác quy hoạch xây dựng xã Nông thôn mới.
Công tác quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn được phê duyệt chính là tiền đề cho quá trình đầu tư và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Đến nay huyện Châu Đức đã đầu tư gần như hoàn chỉnh trụ sở cơ quan, ban ngành từ cấp huyện đến cấp xã, hệ thống chợ, trường học, trạm y tế, trung tâm văn hóa, v.v… thường xuyên được quan tâm đầu tư xây dựng mới và nâng cấp, cải tạo sửa chữa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống về tinh thần và vật chất cho nhân dân tại huyện nhà.
Riêng đối với hệ thống giao thông, tổng vốn đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện đến nay đạt khoảng 1.153 tỷ 670 triệu đồng, trong đó nguồn vốn Trung ương chiếm khoảng 4,82%, vốn ngân sách tỉnh chiếm 85,92%, vốn ngân sách huyện chiếm 3,72%, vốn huy động dân và các nguồn khác chiếm 5,54%. Trong thời gian qua, đã thực hiện xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa tổng số 676,23km đường giao thông các loại, nâng tổng số chiều dài các tuyến đường trên địa bàn huyện từ 388,5km (năm 1994) lên 895,9km, tăng 230%. Trong đó đường bê tông nhựa và láng nhựa là 423,2km (tăng 351,1km so với năm 1994), chiếm tỷ lệ 51,44% trên tổng số Km đường toàn huyện, số còn lại hầu hết đã được mở rộng nền đường và trải cán sỏi đỏ. Đến nay các trục giao thông chính gồm Quốc lộ, Tỉnh lộ và các tuyến đường liên xã đã cơ bản được nâng cấp láng nhựa, 100% số xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã. Một số tuyến đường giao thông liên thôn, ấp cũng đã được nhựa hóa, việc lưu thông hàng hóa và đi lại của nhân dân trên địa bàn huyện đã cơ bản thuận lợi, năng lực vận tải của hệ thống giao thông đã được nâng cao, đáp ứng được nhu cầu phát triển Kinh tế - Văn hóa - Xã hội của địa phương và nhân dân.
Hạ tầng phục vụ nông nghiệp như: thủy lợi, giao thông nội đồng đã được quan tâm đầu tư phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp tại địa phương; cụ thể như các công trình thủy lợi: hồ chứa nước Đá Đen, hồ Sông Ray, hồ Tầm Bó. . . với tổng công suất thiết kế khoảng 210 triệu m3 nước và hệ thống kênh chính Sông Ray, kênh chính hồ Tầm Bó, kênh chính hồ Suối Giàu, đập Sông Xoài. Hệ thống nước sạch nông thôn được đầu tư đồng hộ, đã đầu tư xây dựng mới hệ thống cấp nước sạch, phục vụ cấp nước cho 100% xã, thị trấn
1.4. Thương mại - dịch vụ :
Hoạt động thương mại dịch vụ có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Là cầu nối giữa các yếu tố đầu vào và đầu ra trong quá trình sản xuất hàng hóa và tiêu thụ sản phẩm. Góp phần thúc đẩy sản xuất, lưu thông, phân phối hàng hóa thúc đẩy thương mại hàng hóa phát triển, tạo bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế đáng kể tại địa phương. Năm 1994, toàn huyện có 2.260 cơ sở kinh doanh với tổng số 2.920 lao động, tổng doanh thu là 296,5 tỷ đồng; đến năm 2004, toàn huyện có 3.557 cơ sở kinh doanh với tổng số 4.782 lao động, tổng doanh thu là 580 tỷ đồng. Giai đoạn này, tốc độ tăng trưởng bình quân %/năm là 6,9%. Dự kiến đến cuối năm 2014 toàn huyện có khoảng 6.400 cơ sở kinh doanh với 9.900 lao động tham gia. Tổng doanh thu dự kiến đến thời điểm cuối năm 2014 là 2.916 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng bình quân %/năm của giai đoạn 2004-2014 là 19,3%.
Trước khi thành lập huyện, hệ thống các chợ trên địa bàn huyện chủ yếu mang tính tự phát, không đảm bảo về quy mô, vệ sinh môi trường cũng như phòng cháy chữa cháy. Đến nay toàn huyện có 14 chợ bao gồm: 02 chợ hạng II là Trung tâm thương mại Kim Long và Trung tâm thương mại Ngãi Giao và 12 chợ hạng III gồm các chợ xã: Xà Bang, Láng Lớn, Nghĩa Thành, Quảng Thành, Bình Giã, Xuân Sơn, Sơn Bình, Bình Ba, Trung Sơn -Suối Nghệ, Đức Mỹ - Suối Nghệ, Đá Bạc và Cù Bị 3.
1.5. Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp:
Hiện nay các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn rất quan tâm đến việc đầu tư vốn để mở rộng qui mô và phạm vi hoạt động, tự quản lý và tiếp cận thị trường, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới trang thiết bị và công nghệ sản xuất, tình hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện tương đối phong phú và đa dạng với nhiều ngành hàng khác nhau, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của nhân dân tại địa phương nhất là trong các lĩnh vực như: Cung ứng vật tư phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, gia công cơ khí, dệt may, sản xuất hàng mỹ nghệ, chế biến lương thực, thực phẩm. Do đó đã giải quyết việc làm cho lực lượng lao động nhàn rỗi tại địa phương; góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần cho người dân tại địa phương, tạo bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế đáng kể trên địa bàn huyện theo hướng công nghiệp và dịch vụ thương mại ngày càng chiếm tỷ trọng hơn.
Năm 1994, toàn huyện có 291 hộ sản xuất kinh doanh với tổng số 725 lao động, giá trị sản xuất tính theo giá hiện hành là 3,862 tỷ đồng (tính theo giá cố định là 1,26 tỷ đồng); đến năm 2004, toàn huyện có 605 hộ sản xuất kinh doanh với tổng số 1.250 lao động, giá trị sản xuất tính theo giá hiện hành là 84 tỷ đồng (tính theo giá cố định là 63 tỷ đồng). Giai đoạn này, tốc độ tăng trưởng bình quân %/năm là 36%. Dự kiến đến cuối năm 2014 toàn huyện có khoảng 862 cơ sở tham gia sản xuất (sản phẩm chủ yếu như: chế biến thực phẩm và đồ uống, chế biến gỗ, dệt lưới, sản xuất nước đá, gia công cơ khí, hàn tiện, điện cơ, xây xát nông sản, v.v…) với 5.890 lao động tham gia sản xuất. Giá trị sản xuất tính đến thời điểm cuối năm 2014 theo giá hiện hành là 3.198 tỷ đồng (tính theo giá cố định là 2.115 tỷ đồng). Tốc độ tăng trưởng bình quân %/năm của giai đoạn 2004-2014 là 111% (trong giai đoạn này, huyện Châu Đức đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất sợi của Công ty Meisheng Textiles Việt Nam tại cụm công nghiệp Ngãi Giao, do đó đã nâng giá trị sản xuất lên cao hơn so với giai đoạn trước).
1.6. Thu - chi ngân sách:
Về thu ngân sách; trong giai đoạn từ năm 1994-2004: thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện đạt mức tăng trưởng bình quân là: 31,05%; giai đoạn từ năm 2005-2014: thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện đạt mức tăng trưởng bình quân là: 1,76%.
Về chi ngân sách: Trong giai đoạn từ năm 1994-2004: chi ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện đạt mức tăng trưởng bình quân là: 17,45%; giai đoạn từ năm 2005-2014: chi ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện đạt mức tăng trưởng bình quân là: 19,17%.
2. Văn hóa - xã hội:
2.1. Giáo dục - đào tạo:
Hệ thống cơ sở vật chất trường lớp học đã được đầu tư và đảm bảo cho hoạt động dạy và học. Chất lượng giáo dục được nâng lên, đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên được tăng cường về số lượng, nâng cao về chất lượng; thực hiện hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, tiếp tục duy trì phổ cập THCS; đến nay toàn huyện có 27/64 trường học đạt chuẩn Quốc gia; thực hiện đầy đủ kế hoạch giảng dạy, bảo đảm quy chế chuyên môn, nề nếp lớp học được duy trì tốt; đã thực hiện đúng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh.
2.2. Văn hóa, thể dục thể thao:
Trong 20 năm qua, các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao luôn được địa phương quan tâm thực hiện. Hàng năm, huyện đã tổ chức nhiều hoạt động văn hoá - văn nghệ, các giải thể dục thể thao nhằm đa dạng các loại hình hưởng thụ văn hoá cho nhân dân và thúc đẩy phong trào thể dục thể thao trong nhân dân; kết quả cụ thể: tỷ lệ hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa đạt 92,1%; tỷ lệ thôn ấp đạt chuẩn văn hóa là 84,9%; mức hưởng thụ văn hóa đạt 34,4 lần/người/năm; tỷ lệ hộ gia đình thể thao đạt 21,3%; tỷ lệ người dân tham gia luyện tập thể dục thể thao thường xuyên đạt 28,4% số dân.
Bên cạnh đó, địa phương đã tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị của địa phương góp phần tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
2.3. Y tế:
Khi thành lập huyện năm 1994, ngành Y tế huyện Châu Đức được tách ra từ huyện Châu Thành, tên gọi là Trung tâm Y tế Châu Đức với quy mô 30 giường bệnh, 100 biên chế và 12 Trạm Y tế. Đến nay, Trung tâm Y tế Châu Đức đã được đầu tư phát triển với quy mô 80 giường bệnh, 256 biên chế và 16 Trạm Y tế; 100% các xã có Nữ hộ sinh, 8/16 xã có Bác sỹ, số xã còn lại có Bác sĩ tăng cường theo đề án 1816 của Bộ Y tế.
Trong thời gian, địa phương dã tập trung thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế tại địa phương; công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân ngày càng được thực hiện tốt hơn; hoạt động y tế dự phòng luôn chủ động, nên trong những năm qua đã khống chế được các bệnh như Bại liệt, Phong, Ho gà, Bạch hầu, tả, Dịch hạch…hạn chế không để xảy ra dịch lớn như Sốt rét, Sốt xuất huyết, Tay-Chân-Miệng, các bệnh Cúm A…Vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường trong quản lý, tuyên truyền, kiểm tra, nên nhiều năm không xảy ra các vụ ngộ độc lớn và tử vong. Bên cạnh đó, công tác Dân số-KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em ngày càng được xã hội quan tâm và đạt được nhiều kết quả khả quan; đến năm 2010 có 14 xã đạt chuẩn Quốc Gia về Y tế, hiện nay 16 trạm y tế xã - thị trấn đã được xây dựng kiên cố. Hệ thống Y tế tư nhân ngày càng phát triển và hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, cùng với y tế công lập thực hiện tốt việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và giúp giảm tải ở các bệnh viện tuyến trên.
2.4. Công tác chính sách xã hội:
Huyện đã tập trung thực hiện tốt các chính sách xã hội; thường xuyên quan tâm đến các hoạt động đền ơn đáp đáp nghĩa, công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo; đã thực hiện đầy đủ các chế độ trợ cấp cho các đối tượng chính sách, các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn huyện. Triển khai tốt công tác giảm nghèo, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Kết quả cụ thể trong 20 năm qua:
- Giải quyết chế độ chính sách cho 2.914 đối tượng, tổng số đối tượng chính sách hiện quản lý là 3926 đối tượng ; trong đó : 36 Bà mẹ Việt nam Anh hùng và 02 đối tượng Thương binh nặng ;
- Đã xây tặng được 184 căn nhà tình nghĩa trị giá là 4,423 tỷ đồng, nâng tổng số nhà tình nghĩa đã được xây là 240 căn, trị giá trên 05 tỷ đồng
- Về hỗ trợ tiền sửa chữa 920 căn nhà cho các gia đình đối tượng chính sách, trị giá trên 7,2 tỷ đồng ; hỗ trợ tiền sử dụng đất: cho 28 trường hợp được Nhà nước giao đất hoặc hoá giá nhà và chuyển mục đích sử dụng đất.
- Từ năm 1994 trên địa bàn huyện có khoảng 4.713 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 18,65 %, đến nay số hộ nghèo còn 1,512 chiếm tỷ lệ 2,43%;
- Giải quyết việc làm và tạo việc làm cho 34.292 lượt lao động;
- Đào tạo nghề cho 7.869 lao động, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo là 32,7%.
2.5. Công tác dân tộc:
Trên địa bàn huyện Châu Đức hiện có 13 dân tộc thiểu số với 1.871 hộ, 8.692 nhân khẩu đang sinh sống sống tại các xã-thị trấn, chiếm 5,98% dân số toàn huyện. Trong suốt 20 năm qua, huyện đã quan tâm tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc tại địa phương; đặc biệt là triển khai thực hiện tốt các Chương trình 134, 135 tại địa phương; đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ các hộ đồng bào dân tộc vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, ổn định đời sống. Bên cạnh đó, địa phương luôn quan tâm đến công tác phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để tuyên truyền, vận động thực hiện tốt các chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
3. Quốc phòng - an ninh:
3.1. Quốc phòng:
Trong 20 năm qua, công tác quân sự - quốc phòng luôn địa phương được tập trung thực hiện; các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác quân sự - quốc phòng địa phương; bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, lực lượng vũ trang huyện tiếp tục được củng cố và phát triển đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới. Công tác sẵn sàng chiến đấu được triển khai thực hiện nghiêm túc, bảo vệ an toàn các ngày lễ, ngày kỷ niệm, các sự kiện trọng đại của quê hương, đất nước; hoạt động phối hợp giữa cơ quan quân sự với công an theo Nghị định 77 và 74 của Chính phủ ở các cấp ngày càng gắn bó nề nếp và hiệu quả. Đã tổ chức cho lực lượng dân quân phối hợp với các lực lượng tuần tra, kiểm soát địa bàn góp phần giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Hàng năm huyện đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyển quân, huấn luyện - diễn tập quân sự, công tác giáo dục quốc phòng - an ninh, công tác dân quân tự vệ - dự bị động viên. Đến nay dân quân tự vệ toàn huyện có 2.141 đạt 1,42% so với dân số, chất lượng từng bước được nâng lên; lực lượng dự bị động viên được quan tâm xây dựng về mọi mặt, thực hiện chặt chẽ ngay từ khâu tạo nguồn, đăng ký, quản lý, sắp xếp đến bảo đảm chế độ, chính sách; hiện nay huyện đã sắp xếp quân dự bị vào các đơn vị dự bị động viên tỉnh và huyện đạt 99,97%, Sắp xếp phương tiện kỹ thuật đạt 100% chỉ tiêu trên giao.
Đồng thời, công tác xây dựng nề nếp chính quy, vững mạnh toàn diện luôn được địa phương chú trọng thực hiện; cơ quan quân sự các cấp đã duy trì các chế độ sinh hoạt, học tập, công tác, chấp hành nghiêm kỷ luật, xây dựng đơn vị nền nếp chính quy, vững mạnh toàn diện, gắn với xây dựng chi bộ, đảng bộ quân sự trong sạch vững mạnh.
Bên cạnh đó, địa phương đã chỉ đạo thực hiện tốt công tác dân vận, thực hiện chính sách hậu phương quân đội và các chính sách xã hội; giải quyết tốt các chế độ, chính sách đối với cán bộ quân đội nghỉ hưu trên địa bàn và quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang huyện.
3.2. An ninh:
Qua 20 năm phát triển, lực lượng công an địa phương từng bước được củng cố và kiện toàn, thực hiện tốt các lĩnh vực công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn huyện. Đồng thời địa phương đã triển khai thực hiện tốt phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc"
Triển khai thực hiện có hiệu quả 04 đề án giảm của Hội đồng nhân dân tỉnh về tội phạm, ma túy, mại dâm và tai nạn giao thông tại địa phương.
4. Xây dựng chính quyền:
4.1. Cải cách hành chính, Quy chế dân chủ, tôn giáo:
Qua hơn 15 năm thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC), huyện đã quán triệt các chương trình CCHC của Trung ương như: Nghị quyết số 38/CP ngày 4/5/1994 của Chính Phủ về cải cách một bước thủ tục hành chính trong việc giải quyết công việc của công dân và tổ chức; Quyết định 181/2003/QĐ-TTg ngày 04/9/2003 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế thực hiện cơ chế "một cửa" tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương và các văn bản khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh. Huyện xác định, CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, trong những năm qua, đã chỉ đạo, quán triệt đến các cơ quan, đơn vị, các xã-thị trấn nghiêm túc triển khai thực hiện đồng bộ và đã đạt được những kết quả tích cực. Việc triển khai thực hiện cơ chế một cửa liên thông cấp huyện và xã đến nay tiếp tục đạt kết quả khả quan, mọi thủ tục hành chính được công khai, minh bạch cho nhân dân theo dõi; việc tiếp nhận và trả kết quả cũng đã được cải thiện; đến nay Bộ phận Tiếp nhận và Trả hồ sơ của huyện và các xã - thị trấn đã đi vào hoạt động nề nếp hồ sơ được giải quyết đúng thủ tục, thời gian quy định; từng bước nâng cao hiệu quả và trách nhiệm của cán bộ công chức trong việc xử lý hồ sơ hành chính và hạn chế mức độ gây phiền hà cho công dân. Bên cạnh đó, từ năm 2012, huyện đã triển khai áp dụng phần mềm Văn phòng điện tử (Eoffice) trong hoạt động của UBND huyện, hạn chế sử dụng văn bản giấy, tiết kiệm thời gian, chi phí in ấn góp phần cải cách hành chính; đến năm 2013 huyện đã triển khai đồng bộ cho 16/16 xã - thị trấn.
UBND huyện đã xây dựng bộ phận ứng dụng phần mềm tin học cho công tác giải quyết hồ sơ hành chính theo cơ chế một cửa liên thông tại huyện và 16/16 xã, thị trấn. Hàng năm huyện thành lập Đoàn kiểm tra trách nhiệm thực hiện công vụ của cán bộ công chức và công tác CCHC tại các cơ quan, đơn vị, các xã-thị trấn để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những mặt còn tồn tại nhằm đưa công tác CCHC dần đi vào chiều sâu, thực hiện có hiệu quả. Huyện đã chú trọng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức để đáp ứng nhu cầu công tác, bình quân hàng năm có trên 30 lượt cán bộ, công chức, viên chức bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn.
Công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện thường xuyên, đồng thời công tác ban hành văn bản quy phạm đúng quy định của pháp luật, bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Các chương trình, đề án đơn giản hoá thủ tục hành chính luôn được thực hiện đầy đủ theo chỉ đạo UBND tỉnh. Thường xuyên kiểm tra giám sát cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; khai thác thông tin qua đường dây nóng và hộp thư góp ý tại bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả để tiếp nhận thông tin phản ảnh của người dân. Qua công tác triển khai tại bộ phận "một cửa", "một cửa liên thông", đến nay công tác tiếp nhận và trả hồ sơ thực hiện đúng quy trình thủ tục, chưa có trường hợp khiếu nại, tố cáo trong công tác giải quyết công việc của tổ chức và người dân.
Thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TW ngày 18/2/1998 của Bộ Chính trị "về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở", Nghị định số 29/1998/NĐ-CP ngày 11/5/1998, Nghị định số 29/2003/NĐ-CP ngày 07/7/2003 của Chính phủ Về việc ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở xã; năm 2007 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI ban hành Pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở được Huyện ủy, UBND huyện quan tâm, xem đây là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị địa phương. Trong 20 năm qua, việc thực hiện Quy chế dân chủ tại địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Về công tác tôn giáo; thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban chấp hành TW Đảng về công tác tôn giáo; Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo; Nghị định số 22/2005/NĐ-CP ngày 01/3/2005 của Chính phủ và nay là Nghị định số 92/NĐ-CP ngày 08/11/2012 của Chính phủ. Huyện ủy, UBND huyện đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo và người theo tôn giáo hoạt động đúng quy định của pháp luật. Qua công tác thống kê, điều tra, đến nay trên địa bàn huyện có 68 cơ sở tôn giáo, tăng 151,8 % so với năm 1994; tổng số nhân khẩu có tôn giáo là 93.509/157.126 khẩu; chiếm 59,51% dân số. Nhìn chung, các cơ sở tôn giáo và tín đồ các tôn giáo đã chấp hành tốt các quy định pháp luật về sinh hoạt, hoạt động tôn giáo tại địa phương.
4.2. Cải cách tư pháp:
Ngày 17/8/2007 Huyện ủy Châu Đức ban hành Quyết định số 1221-QĐ/HU về việc thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 gồm 11 đồng chí, trong đó đ/c Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban, đ/c Phó Bí thư TT Huyện ủy và đ/c Chủ tịch UBND huyện làm phó ban, các thành viên còn là Trưởng các cơ quan, ban ngành có liên quan như: Tòa án, Viện Kiểm sát, Công an, Thi hành án … để theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các ngành và các xã-thị trấn thực hiện các mục tiêu, quan điểm và định hướng đã đề ra trong Nghị quyết 49-NQ/TW. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết đã tạo bước chuyễn biến tích cực về nhận thức đối với từng đảng viên trong công tác đấu tranh ngăn chặn, phòng ngừa và điều tra xử lý kịp thời, có hiệu quả các loại tội phạm và các vi phạm pháp luật khác, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.
Qua 9 năm tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị các cấp ủy Đảng, chính quyền và Ngành Tư pháp huyện Châu Đức đã xác định được tầm quan trọng của Nghị quyết. Việc tổ chức quán triệt và triển khai Nghị quyết được thực hiện nghiêm túc, thống nhất về quan điểm chỉ đạo; công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật được thường xuyên quan tâm. Tổ chức bộ máy của các cơ quan tư pháp từng bước được đổi mới, củng cố kiện toàn, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; trình độ chuyên môn của cán bộ tư pháp được nâng lên. Chất lượng điều tra, xử lý tội phạm, kiểm sát các hoạt động tư pháp và thực hành quyền công tố được thực hiện chặt chẽ; việc phê chuẩn, tạm giữ, tạm giam, khởi tố đúng pháp luật, hạn chế hiện tượng bỏ lọt tội phạm. Vai trò của Tòa án được thực hiện đúng theo tinh thần cải cách tư pháp, tính dân chủ trong hoạt động xét xử được đề cao, quyền của bị cáo, luật sư, đương sự được đảm bảo, chất lượng tranh tụng tại phiên tòa được nâng cao qua từng năm. Tỷ lệ án bị cấp trên huỷ hoặc cải sửa đang dần được hạ thấp. Hoạt động thi hành án dân sự thực hiện có nề nếp, kết quả án được thi hành những năm gần đây cao hơn trước. Trụ sở làm việc của các ngành từng bước được đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp, cải tạo; trang thiết bị phục vụ tác nghiệp được trang bị tương đối đầy đủ giúp cho hoạt động của các cơ quan tư pháp đạt hiệu quả cao hơn.
Việc triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 49-NQ/TƯ của Bộ chính trị đã tạo sự chuyển biến tích cực và rõ nét về nhận thức, trách nhiệm và nổ lực phấn đấu của từng cán bộ, đảng viên. Cán bộ, đảng viên trong các cơ quan đều nhận thức việc cải cách tư pháp xuất phát từ yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, cải cách nhằm xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; góp phần thức đẩy hội nhập kinh tế quốc tế, tăng cường bảo vệ tổ quốc. Các cơ quan tư pháp coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của mình trong công tác hàng năm và đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành với kết quả cao nhất. Trách nhiệm trong công tác và thái độ phục vụ nhân dân của mỗi cán bộ, đảng viên được đề cao hơn trước. Đội ngũ cán bộ, đảng viên thường xuyên được củng cố, bổ sung về chất lượng; nâng cao hơn về công tác chuyên môn cũng như về trình độ nhận thức lý luận chính trị, qua đó mỗi cán bộ, đảng viên không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn, phẩm chất chính trị để ngày càng đáp ứng tốt hơn cho yêu cầu của công việc.
4.3. Công tác phòng, chống tham nhũng:
Huyện ủy - UBND huyện Châu Đức xác định công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của địa phương. Vì vậy, ngay sau khi Luật Phòng, chống tham nhũng được ban hành, Huyện ủy - UBND huyện Châu Đức đã chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, các xã-thị trấn tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền và phổ biến Luật Phòng, chống tham nhũng đến toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật nói chung và pháp luật về phòng, chống tham nhũng nói riêng.
Thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, Chương trình hành động số 06-CTr/TU ngày 01/12/2006 của Tỉnh uỷ Bà Rịa - Vũng Tàu về việc thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 21/8/2006 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí" và Quyết định số 901/2006/QĐ-UBND ngày 24/3/2006 của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc ban hành chương trình hành động thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng; Ngày 11/01/2007, UBND huyện Châu Đức đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng tại địa phương. Căn cứ Chương trình hành động này; hàng năm huyện đều tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện công tác phòng chống tham nhũng, đánh giá các điểm mạnh và những tồn tại, hạn chế, rút ra bài học kinh nghiệm để ban hành kế hoạch, đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm nhằm thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng tại địa phương trong thời gian tiếp theo.
Huyện Châu Đức đã xây dựng kế hoạch và tổ chức học tập cho cán bộ, công chức, đảng viên theo hướng dẫn của Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương, phát động rộng rãi phong trào "Sống, chiến đấu, lao động, học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại" trong toàn Đảng bộ, Ðảng viên, cán bộ công chức; nhất là cán bộ lãnh đạo, phải nêu gương về đạo đức, lối sống và kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng; thực hiện nghiêm túc các quy định về đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp, kỷ luật công vụ.
Bên cạnh đó, Huyện ủy-UBND huyện Châu Đức luôn tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân để tiếp thu và giải quyết theo quy định các phản ánh, kiến nghị, tố cáo của công dân đối với hoạt động quản lý nhà nước tại địa phương, nhất là các nội dung phản ánh, tố cáo liên quan đến các hành vi tiêu cực, tham nhũng.
---