|
Chào mừng các bạn đến với Cổng thông tin điện tử huyện Châu Đức

Điều kiện tự nhiên - Tài Huyện Châu Đức Nguyên - Môi Trường

Điều kiện tự nhiên huyện Châu Đức        

Châu Đức là huyện nằm về phía Tây Bắc của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Có diện tích  tự nhiên 42.459,58 ha, bằng 21,34 % diện tích tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, với dân số năm 2020 là 148.103 người,  mật độ dân số là 339 người/km2.

Tọa độ địa lý:           

            - Từ 107o 08’05’’ đến 107o22’02’’ kinh độ Đông.

            - Từ 10o 32’21’’ đến 10o 46’33’’ vĩ độ Bắc

Ranh giới hành chính:  

  • Phía Bắc giáp Tỉnh Đồng Nai.
  • Phía Đông giáp huyện Xuyên Mộc và tỉnh Đồng Nai.
  • Phía Nam giáp huyện Đất Đỏ và thành phố Bà Rịa
  • Phía Tây giáp Thị xã Phú Mỹ

Địa hình:

Toàn huyện có một dạng địa hình chính là địa hình đồi lượn sóng: có độ cao từ 20-150 m, bao gồm những đồi đất bazan, tạo thành những "chùy" chạy theo hướng Bắc xuống Tây Nam. Địa hình bằng, thoải, độ dốc chỉ khoảng 1-8o. Trong tổng quỹ đất có tới 84,19% diện tích có độ dốc  <8o, là địa hình rất thuận lợi cho bố trí sử dụng đất;  chỉ có 1,69% diện tích có độ dốc > 15 o.

Khí hậu:

Huyện Châu Đức mang đặc điểm chung của khí hậu vùng ĐNB, nằm trong vùng có khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, có nền nhiệt cao đều quanh năm, ít gió bão, không có mùa đông lạnh, thuận lợi cho phát triển kinh tế nói chung và đặc biệt là sản xuất nông nghiệp, với các cây trồng nhiệt đới rất điển hình.

  Một số chỉ tiêu về đặc điểm khí hậu

Chỉ tiêu

Trạm Tân Sơn Nhất

Trạm Vũng Tàu

Trạm Xuân Lộc

Trạm Biên Hòa

(Đồng Nai)

Trạm Phan Thiết

(Bình Thuận)

1. Nhiệt độ (oC)

 

 

 

 

 

Trung bình năm

26,3

26,3

25,4

26,8

26,7

Tối cao trung bình

 

29,2

31,4

 

 

Tối thấp trung bình

 

23,6

21,4

 

 

2. Lượng mưa (mm)

 

 

 

 

 

Trung bình năm (mm/năm)

1.942,5

1.352

2.139

1.614,5

1.095,9

Lương mưa 06 tháng mùa mưa

1701,5

1.238

1.880

1433,1

995,9

So với cả năm

87,6%

91,6%

87,9%

88,8

90,9

Số ngày mưa (Ngày/năm)

 

116

169

 

 

3. Độ ẩm không khí TB năm (%)

79,5

85

83

78,8

80,8

4. Số giờ nắng (Giờ/năm)

2.610

2.610

2.096

 

 

5. Tốc độ gió TB năm (m/s)

 

3,7

2,6

 

 

- Có bức xạ mặt trời cao so với cả nước, trên 130 kcalo/cm2/năm. Thời kỳ có  cường độ bức xạ cao nhất vào tháng 3 và tháng 4, đạt 300-400 calo/cm2/ngày; cán cân bức xạ có trị số lớn 70-75 kcalo/cm2/năm. Từ nguồn năng lượng đó, chế độ nhiệt cao và khá ổn định: nhiệt độ cao đều trong năm 23,6-27,3oC (Trạm Xuân Lộc) và 24,7-28oC (Trạm Vũng Tàu). Nhiệt độ trung bình tối cao không quá 30oC và nhiệt độ trung bình tối thấp không dưới 20oC. Tổng tích ôn cao 8.500-10.000oC.

        - Có lượng mưa tương đối thấp, tính trung bình năm, lượng mưa và số ngày mưa chỉ đạt 1.352 mm và 116 ngày có mưa; thấp hơn hẳn so với các khu vực lân cận (Biên Hòa: 1.614 mm/98 ngày; Xuân Lộc: 2.139 mm/169 ngày; Tp. Hồ Chí Minh: 1.942 mm/163 ngày và Bình Phước: 2.286 mm/145 ngày). Mặt khác, lượng mưa phân bố không đều trong năm, hình thành hai mùa trái ngược nhau: Mùa khô kéo dài sáu tháng từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, với lượng mưa rất thấp, chỉ khoảng 10-13% lượng mưa cả năm; trong khi đó lượng bốc hơi rất cao, chiếm đến 60-65% lượng bốc hơi cả năm làm cho chỉ số khô hạn mùa khô lên đến 4,5-5,5 lần. Mùa mưa kéo dài trong sáu tháng từ tháng 5 đến tháng 10, mưa rất tập trung lượng mưa chiếm đến 87-90% lượng mưa cả năm. Chỉ riêng 04 tháng mưa lớn nhất, lượng mưa đã chiếm 62-63% lượng mưa cả năm; ngược lại lượng bốc hơi và nền nhiệt thấp hơn mùa khô.

Các nguồn tài nguyên huyện Châu Đức:

1. Tài nguyên đất.

Nhìn chung tài nguyện đất của huyện Châu Đức tương đối đa dạng về loại đất, tuy nhiên chiếm phần lớn diện tích tự nhiên của huyện là các loại đất hình thành trên đá Bazan có chất lượng khá tốt (chiếm 80%), các loại đất còn lại chiếm tỷ lệ diện tích không nhiều. Kết quả phân loại đất huyện Châu Đức có 08 đơn vị chú dẫn bản đồ, thuộc 6 nhóm đất.

Về chất lượng đất, nhìn chung phần lớn diện tích đất huyện Châu Đức có độ phì tương đối cao, đặc biệt là các loại đất nâu đỏ, nâu vàng, nâu thẫm trên bazan, đất đen và các đất phù sa, chính vì vậy tài nguyên đất đai huyện Châu Đức rất thích hợp trong canh tách nông nghiệp và đa dạng các loại hình sử dụng đất. Trong tổng diện tích huyện, đất có khả năng sản xuất nông nghiệp có khoảng 40.316 ha, chiếm 94,95%. Trong đó đất không hoặc ít có hạn chế trong canh tác nông nghiệp chiếm khoảng 80%; đất có hạn chế trung bình chiếm khoảng 14% và Loại C (đất có hạn chế nhiều): có 586 ha (1,38%), Loại đất không có khả năng sản xuất nông nghiệp: có 117 ha (0,28%).

 (1). Nhóm đất phù sa:

Nhóm đất phù sa có 01 đơn vị bản đồ, với diện  tích 256 ha (0,6%), phân bố ở ven sông Xoài, gồm xã Nghĩa Thành 220 ha và xã Suối Nghệ 35 ha.

- Đất phù sa có độ phì nhiêu tương đối cao so với các loại đất đồng bằng, ít chua (pHKCl: 4,5-5,0), giầu mùn (2-4%OM), đạm tổng số cao (0,10-0,15%N), lân tổng số nghèo (< 0,06%). Đất phù sa có thành phần cấp hạt rất thay đổi nhưng nhìn chung  có sa cấu từ thịt trung bình đến thịt nặng.

- Đất phù sa thích hợp chính cho việc trồng lúa nước, các khu vực có tưới trong mùa khô được trồng lúa 2-3 vụ. Hướng sử dụng đất phù sa lâu dài là trồng lúa nước, có thể xen canh với các cây rau màu ở những nơi có địa hình cao thoát nước. Biện pháp cung cấp nước tưới và xây dựng đồng ruộng là những biện pháp cơ bản trong việc sử dụng đất phù sa có hiệu quả cao.

(2). Nhóm đất xám:

Nhóm đất xám có 01 đơn vị bản đồ, với diện tích 402 ha (0,95%), phân bố chủ yếu ở xã Suối Nghệ 332 ha và xã Nghĩa Thành 70 ha. Đất xám ở đây hình thành trên đá Granit.

- Đất xám trên granit nhìn chung có độ phì nhiêu rất kém, ít có ý nghĩa cho sản xuất nông nghiệp. Nghèo mùn, đạm, lân, kali, kể cả các cation kiềm trao đổi. Hàm lượng mùn ở tầng đất mặt chỉ đạt xấp xỉ 1%OM, đạm tổng số không quá 0,1%N, tổng Mg2+ và Ca2+ chỉ đạt dưới 1 me/100 gam đất.

- Đất xám trên granit có độ phì không cao, vì vậy khi sản xuất nông nghiệp cần phải bón phân bổ sung với một lượng đáng kể, đặc biệt là các loại phân hữu cơ để bổ sung độ phì nhiêu cho đất. Tuy nhiên đất xám trên granit có tính chịu lực rất tốt vì vậy thuận lợi trong xây dựng, bố trí dân sinh và công nghiệp.

(3). Nhóm đất đen:

Nhóm đất đen có 01 đơn vị bản đồ, với diện tích 3.291 ha (7,75%), phân bố rải rác ở hầu hết các xã: TT Ngãi Giao 827 ha; xã Sơn Bình 759 ha; xã Quảng Thành 512 ha; xã Bình Trung 353 ha; xã Kim Long 200 ha; xã Suối Rao 170 ha; xã Xuân Sơn 148 ha; xã Bình Giã 107 ha; xã Đá Bạc 82 ha; xã Nghĩa Thành 70 ha; xã Xà Bang 63 ha.

- Đất đen có độ phì nhiêu  hơn hẳn các loại đất khác trong vùng. Phản ứng dung dịch đất ít chua. Hàm lượng mùn, đạm, lân tổng số giàu (2-3% OM; 0,1-0,25%N; 0,15-0,25% P2O5. Nghèo kali tổng số, nhưng rất giàu cation kiềm trao đổi (Ca2+: 12-14 me/100 gam đất), dung tích hấp thu cao và độ no bazơ cao (CEC: 25-30 me/100 gam; BS: 52-57%). Sa cấu đất nặng, cấu trúc đất đoàn lạp, viên hạt rất tơi xốp.

- Tuy vậy, hạn chế chính của đất đen là tầng đất thường rất mỏng, lẫn nhiều mảnh đá và nhiều đá tảng lộ đầu, gây trở ngại cho khâu làm đất và sự phát triển của bộ rễ. Vì vậy nó chỉ phù hợp cho các cây ngắn ngày có bộ rễ ăn nông.

- Hầu hết đất đen đã được khai thác dùng trong nông nghiệp. Các đất đen trên địa hình cao thoát nước trồng các cây hoa màu và công nghiệp hàng năm như : đậu nành, thuốc lá, bông, bắp và các loại đậu đỗ khác... Ngoài ra cây ăn quả như chuối, na, chôm chôm cũng có khả năng trồng rất tốt. Các đất đen địa hình thấp chủ yếu dùng cho việc trồng lúa và có khả năng trồng màu trong mùa khô.

(4). Nhóm đất đỏ vàng:

Nhóm đất đỏ vàng có 2 đơn vị bản đồ, với diện tích 30.648 ha (72,19%), phân bố ở hầu hết các xã trong huyện: Xã Láng Lớn 4581 ha; Xà Bang 4547 ha; Đá Bạc 3145 ha; Bình Ba 2749 ha; Kim Long 2460 ha; Quảng Thành 2318 ha; Suối Rao 2253 ha; TT Ngãi Giao 1884 ha; Suối Nghệ 1468 ha; Xuân Sơn 1403 ha, Nghĩa Thành 1367 ha; Sơn Bình 1.003 ha;  Bình Giã 745 ha; Bình Trung 725 ha. Đất đỏ vàng trên địa bàn huyện được hình thành từ đá bazan được chia thành hai đơn vị chú dẫn bản đồ là: Đất nâu đỏ trên bazan (DT: 17.788 ha) và đất nâu vàng trên bazan (DT: 12.860 ha).

Nhìn chung đất đỏ trên đá bazan có tầng đất dày, đồng nhất suốt phẫu diện, cấu tượng viên hạt, tơi xốp. Tầng đất mặt khá giàu mùn và có màu nâu đậm, càng xuống sâu mức độ tơi xốp càng cao, với màu nâu đỏ đồng nhất. Một số diện tích đất có nhiều kết von, gây trở ngại cho sản xuất.

- Đất nâu đỏ trên đá bazan có độ phì nhiêu tương đối cao (Mùn: 3-4%; 0,15-0,20%N; 0,10-0,15% P2O5), tuy vậy nghèo kali và các cation kiềm trao đổi. Đất chua (pHKCl: 4,5-5,0), dung tích hấp thu và độ no bazơ thấp (CEC: 16-25 me/100 gam,  BS:20-35%). Về thành phần cơ giới đất đỏ trên bazan là nặng, hàm lượng sét vật lý luôn đạt >50%. Cấu trúc viên hạt khá tơi xốp, khả năng thấm và giữ nưóc rất tốt.

- Đất nâu vàng trên đá bazan cũng là loại đất có độ phì cao, có hàm lượng mùn, đạm, lân, kali tổng số và dễ tiêu lớn (Mùn: 2-3%; 0,15-0,20%N; 0,10-0,15% P2O5), có dung tích hấp thu, và độ no bazơ thấp, (CEC: từ 9,50 -10,49 me/100 gam,  BS:20-35%), có thành phần cơ giới nặng, hàm lượng sét cao ( >50%), có cấu trúc viên hạt tơi xốp, khả năng thấm và giữ nước tương đối tốt

- Đất nâu đỏ và nâu vàng trên bazan là các loại đất có chất lượng cao nhất so với các loại đất đồi núi ở nước ta, rất thích hợp cho việc trồng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như Cà phê, tiêu, Cao su, Cây ăn quả… Tuy nhiên, trong sử dụng đất cần có biện pháp chống xói mòn rửa trôi.

(5). Nhóm đất dốc tụ:

Nhóm đất dốc tụ có 5.719 ha, chiếm 13,47% DTTN. Phân bố rải rác ở hầu khắp các xã: Xã Bình Giã 906 ha; Đá Bạc 879 ha; Suối Rao 718 ha; Bình Trung 686 ha; TT Ngãi Gia 462 ha; Láng Lớn 472 ha; Nghĩa Thành 438 ha; Suối Nghệ 312 ha; Kim Long 234 ha; Bình Ba 231 ha; Sơn Bình 136 ha; Xuân Sơn 141 ha; Xà Bang 104 ha. Đất dốc tụ hình thành và phát triển từ các sản phẩm rửa trôi và bồi tụ của các loại đất ở các chân sườn thoải hoặc khe dốc.

Do đặc điểm hình thành và phân bố rộng rãi, nên đất dốc tụ có đặc điểm hình thái rất phức tạp, nó phụ thuộc vào thành phần mẫu chất tạo đất, cùng với đặc điểm địa hình khu vực. Nhìm chung đất dốc tụ có hai dạng hình rất cơ bản là: (i) Đất dốc tụ có thành phần cơ giới nặng và (ii) đất dốc tụ có thành phần cơ giới nhẹ.

Đất đốc tụ có độ phì nhiêu khá cao. Đất có phản ứng chua, giầu mùn, đạm tổng số, lân và kali. Đất có khả năng sử dụng chủ yếu cho việc trồng và thâm canh lúa nước.

(6). Đất xói mòn trơ sỏi đá: có 117 ha (0,28% DTTN), chỉ có ở xã Suối Nghệ. Đất được hình thành là hậu quả của quá trình xói mòn rửa trôi rất mãnh liệt trong một thời gian dài, ở một vùng khí hậu có lượng mưa lớn và tập trung và khi ấy lớp phủ thực vật đã bị cạn kiệt. Đất có tầng rất mỏng, nhiều khi hoàn toàn là đá hoặc kết von dày đặc. Các đất này không có khả năng cho sản xuất NN. Chỉ có khả năng khoanh nuôi phục hồi rừng nhằm bảo vệ đất đai và tạo cảnh quan sinh thái.

2. Tài nguyên nước.

(1). Tài nguyên nước mặt: Huyện Châu Đức được bao bọc bởi 02 con sông lớn là Sông Xoài và Sông Ray, cùng với hệ thống suối rạch nhỏ và hồ chứa thủy lợi.

- Sông Xoài: Là ranh giới của huyện Châu Đức với huyện Tân Thành, chiều dài nằm trong phạm vi huyện: 22 km. Đây là một nhánh ở thượng nguồn của sông Dinh, bắt nguồn từ  huyện Long Khánh và xã Xà Bang, Láng Lớn, chảy theo hướng Bắc Nam và đổ vào sông Cỏ May. Trên lưu vực sông Xoài phần thuộc địa phận huyện Châu Đức đã xây dựng hồ Kim Long khai thác nước tưới cho cà phê, hồ tiêu, lúa và cung cấp nước sinh hoạt. Ở phía Nam của huyện có xây dựng hồ Đá Đen có dung tích chứa 28 triệu m3 cung cấp nước cho sinh hoạt và cho khoảng 1.900 ha đất sản xuất nông nghiệp; trong đó phần thuộc Châu Đức khoảng 1.200ha.

- Sông Ray : Là ranh giới của huyện Châu Đức với huyện Xuyên Mộc, tổng chiều dài 120km và phần lớn lưu vực thuộc tỉnh Đồng Nai (diện tích lưu vực đến cửa sông: 1.300 km2). Đoạn trung lưu thuộc huyện Châu Đức có chiều dài 22km và hiện nay, trên đoạn sông này đã xây dựng hệ thống thủy lợi hồ chứa nước Sông Ray với tổng diện tích mặt hồ khoảng 2.040 ha, trong đó huyện Châu Đức 488,18 ha. Hồ sông Ray là nguồn cấp nước  sinh hoạt, sản xuất công nghiệp và tưới tiêu cho các huyện  Long Điền, Đất Đỏ, Châu Đức, Xuyên Mộc  và Thành phố Vũng Tàu, với khối lượng  cấp nước khoản 535.000m3/ngày và diện tích tưới khoảng 9.157 ha đất nông nghiệp. Đồng thời Hồ Sông Ray cũng sẽ tạo nguồn để bổ sung nguồn cấp nước cho TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai.

- Ngoài 2 sông lớn kể trên, trong phạm vi hành chính huyện Châu Đức còn có các suối nhỏ như: suối Trà Răng, suối Gia Hốt, suối Lúp, suối Tầm Bó, suối Đá Bàng, suối Lồ Ồ 1, Lồ Ồ 2, suối Lùng, suối Tà Lùng, suối Gia Hoét,… nhưng nguồn sinh thủy vào mùa khô rất hạn chế.

- Trên địa bàn huyện, ngoài 3 hồ lớn đã nêu trên lưu vực của 2 sông này, đến nay đã xây dựng các hồ, đập khác bao gồm: Đập Cầu Mới, hồ Gia Hoét 1, hồ Gia Hoét 2, hồ Tầm Bó, hồ Đá Bàng, hồ núi Nhan, hồ núi Sao và một số đập dâng nhỏ, nhằm cung cấp nước sinh hoạt và tưới cho 255 ha cây ngắn ngày, 640 ha cây công nghiệp lâu năm.

(2). Tài nguyên nước ngầm: Theo kết quả nghiên cứu tài nguyên nước ngầm tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tháng 09/1999 của Đoàn địa chất thủy văn 707, huyện Châu Đức nằm trọn trong vùng có tầng chứa nước bazan Xuân Lộc với các đặc điểm như sau :

Về đặc điểm và chất lượng nước ngầm:

  • Khả năng chứa nước trong lớp phủ phong hóa bazan kém hơn các trầm tích bở rời khác và phân bố không đồng đều do quá trình thành tạo, khối lượng các chất bốc hơi trong dung nham không đồng nhất, sau đó lại chịu hoạt động của kiến tạo trẻ bất thường.
  • Tầng chứa nước bazan có chất lượng tốt. Trong 7 chỉ tiêu hóa học thường bị nhiễm bẩn phải xử lý (đối với nước ngầm) thì nước ngầm ở tầng chứa nước bazan Xuân Lộc không có chỉ tiêu nào vượt quá tiêu chuẩn nguồn cấp nước, thậm chí đạt cả tiêu chuẩn dùng cho ăn, uống, sinh hoạt.
  • Động thái mực nước thay đổi theo mùa, mực nước mùa mưa dâng cao hơn mùa khô từ 1,7m (ở Bình Giã) đến 4m (ở Xà Bang).
  • Nguồn cung cấp nước chủ yếu cho tầng chứa nước bazan là nước mưa, nguồn thoát nước chính là hệ thống mạch lộ chảy vào sông suối, một phần thấm xuống cung cấp cho tầng trầm tích bở rời nằm phía dưới và một phần bốc hơi trên bề mặt địa hình.
  • Phía dưới tầng bazan Xuân Lộc, nhiều nơi lại có tầng chứa nước trầm tích bở rời, tuy không liên tục song có khả năng chứa nước. Điều này có tác dụng hỗ trợ cho tầng chứa nước bazan khi công trình khai thác có mục đích phối hợp để đạt công suất cao hơn. Đồng thời, với việc xây dựng các  hồ chứa giữ nuớc mùa mưa  tại các hợp thủy ở địa hình cao đã tạo nên áp lực nước hồ chứa, bổ sung nước ngầm cho các giếng ở phía sau đập và xung quanh hồ.

Bảng 1.5  Lưu lượng và phân bố của tầng chứa nước bazan huyện Châu Đức

Đơn vị

hành chính

Diện tích

tự nhiên

(ha)

Lưu lượng của các tầng chứa nước (m3/h)

Giàu

> 15

Trung Bình

7 – 15

Nghèo

2 - 7

Rất nghèo

< 2

Không có

0

TOÀN HUYỆN

42260

6.940

19.970

15.695

1119

117

Xã Láng Lớn

5340

367

795

4.178

 

 

Xã Xà Bang

4744

480

2.793

1.471

 

 

Xã Quảng Thành

2997

543

1.338

789

277

 

Xã Kim Long

3010

1.638

1.372

 

 

 

Xã Sơn Bình

2192

33

0

1.485

674

 

Xã Xuân Sơn

1728

169

534

1.016

 

 

Xã Bình Trung

1790

462

1.153

175

 

 

Xã Bình Giã

1792

935

857

 

 

 

Xã Nghĩa Thành

2199

34

2.010

155

 

 

Xã Bình Ba

3107

1.205

1.775

127

 

 

Xã Suối Rao

3395

254

256

2.717

168

 

Xã Đá Bạc

4361

255

3.610

496

 

 

Xã Suối Nghệ

2410

148

640

1.505

 

117

TT. Ngãi Giao

3195

417

2.778

 

 

 

 * Nguồn : Báo cáo nước ngầm của Đoàn 707

            Nếu sử dụng nước cho sinh hoạt gia đình và tưới cây chỉ vào ban ngày thì cứ mỗi 1,66 ha ở Châu Đức có thể khoan được 1 giếng và số lượng nước khai thác bình quân của mỗi giếng là: 239 m3/ngày. Về lưu lượng và diện tích phân bố như sau:

  • Diện tích có nước ngầm từ trung bình đến giàu : 26.910 ha (chiếm 63,9% DTTN), diện tích có nước ngầm nghèo đến rất nghèo : 15.233 ha (chiếm 36% DTTN) và đặc biệt có 117 ha không có nước ngầm. Do đó, ở những nơi có mức nước ngầm từ nghèo – rất nghèo mà không có nguồn nước mặt tưới không nên chọn trồng cây lâu năm có tưới như cà phê, hồ tiêu mà dành trồng điều hoặc cây lâm nghiệp.

Như vậy, mặc dù so với các huyện khác trong tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, khả năng cung cấp nước ngầm ở Châu Đức có khá hơn. Song, chúng ta vẫn xem đây là một hạn chế cho cả sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt. Ngay cả ở những nơi có trữ lượng nước ngầm ở mức trung bình đến giàu thì việc khai thác hợp lý, có hiệu quả đi đôi với bảo vệ tốt nguồn nước ngầm cũng phải được đặc biệt coi trọng. Hạn chế và đi đến ngăn chặn hữu hiệu nhất mọi nguy cơ ảnh hưởng xấu đến nước ngầm. Bởi đây là tài nguyên vô cùng quý giá mà cả nhân loại đang quan tâm (1/2 dân số thế giới đang trong tình trạng thiếu nước).

3. Tài nguyên rừng:

Hiện tại huyện Châu Đức chỉ có 403,45 đất rừng phòng hộ (trong đó diện tích đất có rừng là 403,45 ha). Tuy diện tích đất rừng của huyện không lớn, nhưng lại có ý nghĩa rất quan trọng trong bảo vệ môi trường sinh thái trong huyện nói riêng và cả khu vực nói chung, nhất là trong điều kiện đang đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa như hiện nay. Đồng thời, chất lượng rừng cũng rất tốt; đặc biệt là rừng phòng hộ thuộc địa bàn các xã: Sơn Bình, Xuân Sơn và Suối Rao là loại rừng gỗ sao, có giá trị kinh tế rất cao.

1.2.4. Tài nguyên khoáng sản và vật liệu xây dựng.

Trên địa bàn Châu Đức khoáng sản có trữ lượng và chất lượng đạt yêu cầu khai thác công nghiệp không nhiều. Trong đó, vật liệu xây dựng (đá xây dựng, sỏi san lấp, sét gạch ngói) là các loại khoáng sản chiếm ưu thế.

+ Đá Puzơlan: Phân bố ở một số khu vực thuộc xã các Bình Trung, Quảng Thành, Suối Rao. Nhìn chung các mỏ đá Puzơlan trên địa bàn Châu Đức có chất lượng tốt có thể khai thác làm nguyên liệu cho sản xản xuất xi măng hay sản xuất sợi bazan, tuy nhiên các mỏ đều có trữ lượng nhỏ và ít tập trung.

+ Nước khoáng: Phân bố ở xã Suối Nghệ, trữ lượng khai thác khoảng 40.000 lít/ngày, nguồn nước có chất lượng tốt, hiện đã được khai thác sản xuất nước khoáng đóng chai.

+ Đá xây dựng: Đá xây dựng có số lượng khá lớn nhưng phân bố ít tập trung. Đá xây dựng trên địa bàn Châu Đức chủ yếu là các đá Bazan phân bố ở các đồi, núi  của huyện. Chất lượng đá được  đánh  giá không cao, vì vậy chỉ  khai thác chủ yếu làm vật liệu đá xây dựng.

+ Sét gạch ngói: Phân bố ở khu vực Đông Nam huyện thuộc các xã Xuân Sơn, Sơn Bình, Suối Rao. Nhìn chung Sét gạch ngói ở Châu Đức có trữ lượng không lớn và chất lượng không cao, có thể làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng (ngói, gạch đặc, gạch lỗ, gạch trang trí…) phục vụ chính cho nhu cầu xây dựng tại địa phương.

+ Sỏi san lấp: phân bố ở các xã  phía Nam huyện như Suối Rao, Đá Bạc, suối Nghệ, Nghĩa Thành. Thành Phần chính là cuội, sỏi, sạn tồn tại dưới dạng kết von trong mẫu chất phù sa cổ. Hiện tại đã được khai thác trên địa bàn xã Suối Rao làm nguyên liệu san lấp phục vụ cho nhu cầu trên địa bàn Huyện.

Tiềm năng về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn Châu Đức có trữ lượng không lớn,  và chất lượng không cao chủ yếu làm nguyên vật liệu xây dựng phục vụ cho nhu cầu của Huyện và  khu vực lân cận.

 Tài nguyên nhân văn:

Tài nguyên nhân văn ở Châu Đức không chỉ bao gồm nguồn lực con người mà còn là những giá trị vật chất, văn hóa tinh thần do con người sáng tạo ra trong lịch sử hình thành và phát triển Huyện. Các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể Châu Đức cho thấy tài nguyên nhân văn ở  Huyện phong phú và đa dạng:

+ Các giá trị văn hóa vật thể:

Là những công trình di tích lịch sử, đền, miếu, những địa điểm có ý nghĩa văn hóa trên địa bàn Huyện. Công trình di tích lịch sử, các chứng tích Cách mạng, biểu tượng của ý chí sắt đá và mưu trí, thông minh của quân dân tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu nói chung và huyện Châu Đức nói riêng  trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mà điển hình là di tích căn cứ cách mạng Bàu sen, địa đạo Kim Long, tượng đài chiến thắng Bình Giã. Các di tích, chứng tích và tài nguyên nhân văn của đất nước luôn được chính quyền và nhân dân Châu Đức trân trọng bảo tồn.

Các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo ở huyện Châu Đức gắn liền với lịch sử khai hoang mở cõi. Trên 30 ngôi đình, chùa, đền và miếu được xây dựng qua nhiều thời kỳ là những tài nguyên quý giá về văn hóa, kiến trúc và nghệ thuật đình, chùa Phật giáo Nam bộ xưa và nay. Các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo vừa mang ý nghĩa tâm linh, văn hóa vừa là kho tàng kiến trúc, nghệ thuật.

+ Các giá trị văn hóa phi vật thể:

Châu Đức đã và đang bảo tồn và phát huy văn hóa phi vật thể (những tập quán, phong tục, tín ngưỡng) như văn hóa, các lễ hội người dân tộc Châu Ro,  người Hoa… các ngày giỗ tổ nghề, ngày Nhà giáo, ngày Báo hiếu… các chương trình xóa đói giảm nghèo, cứu trợ xã hội, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương,…; bảo trợ bệnh nhân nghèo, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng,… Nhìn chung, cộng đồng dân cư Châu Đức có tính nhân văn cao và có khả năng thúc đẩy xã hội phát triển một cách hài hòa, bền vững.

Thực trạng môi trường

- Môi trường không khí trong lành, thành phần các chất độc hại trong không khí tại Huyện vẫn nằm trong tiêu chuẩn chất lượng môi trường Việt Nam, chỉ một số nơi có lượng bụi cao hơn tiêu chuẩn, nhất là về mùa khô hoặc quanh khu vực khai thác vật liệu xây dựng. Trong các đô thị, lượng các chất thải độc hại và bụi có chiều hướng tăng lên do lượng xe cộ, và các cơ sở sản xuất ngày càng tăng thải ra. Tại đây chất lượng  môi trường không khí đang bị suy giảm.

- Môi trường nước mặt, nước ngầm:  Trong canh tác nông nghiệp việc sử dụng thuốc trừ sâu không đúng tiêu chuẩn quy định còn khá phổ biến. Các thuốc bảo vệ thực vật được dùng chủ yếu là nhóm phốt pho hữu cơ và carbamate, phần phân hủy chưa hết của chúng được thải ra các dòng sông gây ô nhiễm. Ô nhiễm các chất hữu cơ, chất dinh dưỡng, các loại vi trùng  đã có dấu hiệu tăng ở nguồn nước sông Ray và các sông suối. Tuy nhiên Chất lượng nước ngầm ở huyện nhìn chung còn khá tốt. Mức độ nhiễm mặn, phèn, chất hữu cơ và vi trùng đều nằm trong tiêu chuẩn chất lượng môi trường Việt Nam.

- Nhìn chung diện tích đất rừng của huyện hiện không còn nhiều, đất nông nghiệp biến động giảm do chuyển một phần sang các lĩnh vực khác. Song nhìn chung đất nông nghiệp  vẫn còn chiếm diện tích khá lớn với các loại cây lâu năm có độ che phủ cao vì vậy độ che phủ trên địa bàn huyện là khá cao.

- Công tác quản lý, bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện ngày càng được quan tâm, chú trọng, đặc biệt tại các khu vực đô thị, khu công nghiệp, bệnh viện. Huyện Châu Đức đã triển khai thực hiện tốt các chương trình, đề án và các quy định Quyết định số 1009/QĐ-UBND ngày 18/5/2015 của UBND tỉnh về phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường của tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 1045/QĐ-UBND ngày 20/5/2015 về thành lập Ban chỉ đạo xử lý ô nhiễm của tỉnh. Kiện toàn Ban phòng chống, lụt bão và giảm nhẹ thiên tai, báo cáo, xây dựng kết hoạch ứng phó với bão mạnh, siêu bão.

Ban Biên Tập Cổng thông tin điện tử huyện Châu Đức