|
Chào mừng các bạn đến với Cổng thông tin điện tử huyện Châu Đức

Di tích - tư liệu lịch sử

Huyện Châu Đức có nhiều công trình di tích lịch sử để du khách có thể tham quan tìm hiểu bao gồm:

1/ Tượng đài Chiến thắng Bình Giả

Tượng đài chiến thắng Bình Giã nằm sát bên quốc lộ 56, thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đây là di tích đã được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia theo quyết định số 2754-QĐ/BT, ngày 15 tháng 10 năm 1994. Khuôn viên tượng đài rộng 20.000m2, gồm vườn hoa, khu tượng đài, đền thờ và các công trình phụ... Thân tượng cao 26m, màu ghi sáng, đặt trên bệ đá hoa cương đen cao 3m với ba bàn tay nắm chặt đốc lê, phía trên là ba lưỡi lê vươn lên nền trời xanh. Hai bên tượng đài là hai bức phù điêu (dài 7m, cao 3m) được ghép từ hàng ngàn mảnh gốm màu Bát Tràng (Hà Nội).

Tượng đài chiến thắng Bình Giã là nơi ghi dấu chiến công vang dội trong kháng chiến chống Mỹ trên vùng đất Bà Rịa – Vũng Tàu.

Ảnh: Tượng đài chiến thắng Bình Giả

2/ Địa đạo Kim Long:

Đây là di tích lịch sử cấp Quốc gia theo Quyết định số 961/QĐ.BT ngày 20 tháng 7 năm 1994 của Bộ Văn hóa và Thông tin.

Di tích lịch sử địa đạo Kim Long nằm ở thôn Tam Long, xã Kim Long. Hiện nay di tích đã được trùng tu các Ụ chiến đấu, đường địa đạo được trùng tu bằng vật liệu xi măng, đá…

Địa đạo Kim Long được xây dựng từ năm 1962 - 1964, dài 2000m cách mặt đất 5m, lòng rộng 0,8m, có nhiều nghách trú ẩn và 12 miệng lên xuống, đầu địa đạo đắp 3 ụ chiến đấu nối cách nhau theo hình tam giác mỗi cạnh 10m, xung quanh có lô Châu mai từ ụ chiến đấu thông với bên ngoài là hào công sự sâu 1,2m.

Từ năm 1962, lực lượng du kích dựa vào địa đạo và địa hình đánh trả, chặn đứng nhiều cuộc càn quét quy mô lớn gây cho địch nhiều thiệt hại nặng nề tại khu vực lòng chảo Kim Long, bảo vệ giữ vững cơ sở cách mạng củng cố và phát triển lực lượng du kích.

Địa đạo Kim Long là chứng tích lịch sử khẳng định tinh thần ý chí chiến đấu dũng cảm ngoan cường một lòng theo Đảng, Bác Hồ của nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất tổ quốc.

Địa đạo Kim Long là chứng tích lịch sử quan trọng, khẳng định tinh thần, ý chí chiến đấu dũng mãnh của quân và dân ta trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Hiện nay, ngoài tấm bia di tích khắc ghi công trạng, ý nghĩa lịch sử của di tích là còn lành lặn tươm tất, các phần còn lại của địa đạo đã bị xuống cấp.

    

Ảnh: địa đạo Kim Long

3/ Khu tưởng niệm Trung đoàn E33:

Trung đoàn 33, đơn vị Anh hùng LLVTND được chính thức thành lập vào ngày 15/2/1965, tiền thân là Trung đoàn 101 và Sư đoàn 325 Bình Trị Thiên. Trong suốt quá trình chiến đấu, trung đoàn 33 đã có mặt trên khắp các chiến trường Tây nguyên, Miền Đông Nam bộ đặc biệt là chiến trường Bà Rịa - Long Khánh. Ngay tại xã Bình Ba, huyện Châu Đức ngày nay, trong cuộc chiến đấu giải phóng Bình Ba chiến dịch 1969, 53 cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn đã anh dũng hy sinh, hài cốt của các anh dù đã được đưa về nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhưng nhân dân địa phương vẫn tiếp tục thờ cúng tưởng nhớ các anh.

- Khu tưởng niệm Trung đoàn E33 thuộc địa phận xã Bình Ba, khu tưởng niệm các Liệt sĩ Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 33 là di tích lịch sử cách mạng ghi nhận sự kiện hy sinh anh dũng của 53 cán bộ, chiến sĩ trong trận đánh ác liệt giải phóng Bình Ba (ngày 06/6/1969). Ngày 16/5/2012 UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã trao Quyết định số 931/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đới với khu tượng niệm này.

4/ Bia tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 4:

Ngày 3/3/1965, Trung đoàn 4 được thành lập theo quyết định của Bộ Tư lệnh miền Nam tại chiến khu D và nhiệm vụ tham gia tác chiến trên chiến trường Đông Nam bộ. Suốt chặn đường chiến đấu, Căn cứ địa và nhiều trận đánh của Trung đoàn 4 gắn liền với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu từ 1965 - 1975 và chiến sĩ của Trung đoàn đã cùng nhân dân các xã trên địa bàn tỉnh không ngừng mở rộng vùng căn cứ, bám đất, bám làng để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù.

Để ghi nhớ sự hy sinh cao cả của các chiến sĩ Trung đoàn 4 anh hùng, ngày 31/5/2011, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Ria- Vũng Tàu đã ra thông báo xây dựng bia tưởng niệm Trung đoàn 4.

Bia tưởng niệm liệt sĩ Trung Đoàn 4 thuộc địa phận xã Xà Bang, có  tượng đài cao 10 m, được xây dựng bằng những 52 tảng đá granit xanh, mỗi tảng nặng từ 6 – 7,5 tấn. Công trình được tiến hành xây dựng năm 2011 và hoàn thành năm 2013, hiện nay đã được các cấp chính quyền quan tâm chăm sóc bảo vệ di tích này.

Các cựu chiến binh Trung đoàn 4 gặp lại nhau tại khuôn viên bia  tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Trung đoàn 4

(xã Xà Bang, huyện Châu Đức).

5/ Khu di tích lịch sử cách mạng, khu căn cứ Bàu Sen:

- Di tích lịch sử cách mạng Rừng Bàu Sen thuộc địa phận Ấp Bàu Sen, xã Xà Bang.  Đây là di tích lịch sử cách mạng được UBND tỉnh công nhận là di tích cấp tỉnh với diện tích rừng khoảng 63 ha.Các hạng mục công trình tôn tạo, phụ trợ di tích gồm 01 bia ghi nội dung giới thiệu về di tích, kết cấu trụ BTCT giả gỗ, móng đá hộc, gắn đá trang trí, tường gạch phun sơn giả đá, mặt ghi nội dung ốp đá granit...Đây cũng là nơi để du khách ghé tham quan về sinh thái du lịch.

Nguồn: Phòng VHTT -  huyện Châu Đức

---