Chi tiết tin

Phương hướng và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội huyện Châu Đức
Thứ Ba, 19/08/2014 09:00

(1). Quan điểm phát triển

- Quan điểm phát triển chung: trong chiến lược chung của quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, huyện Châu Đức tập trung khai thác những lợi thế riêng về vị trí địa lý, giao thông, tiềm năng đất đai, tạo ra những bước phát triển đột phá có tính chất quyết định để chuyển đổi mạnh mẽ về chất của nền kinh tế. Chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu dân cư trên địa bàn phù hợp với cơ cấu kinh tế; nâng cao rõ rệt chất lượng cuộc sống nhân dân bao gồm:  Nâng cao mức sống, trình độ dân trí, thực hiện công bằng xã hội và dân chủ cơ sở; bảo vệ môi trường.

- Phát triển nền kinh tế theo hướng hội nhập kinh tế quốc tế: Phát triển nền kinh tế mở, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; chủ động hội nhập quốc tế; lựa chọn điểm đột phá, quy hoạch phát triển đô thị, công nghiệp nhằm thu hút vốn, công nghệ cao của các nước phát triển; tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế: công nghiệp, giao thông, cấp điện, cấp thoát nước, bưu chính viễn thông,… cho các đô thị và khu vực nông thôn, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế đồng thời có cơ chế thông thoáng, cải tiến quản lý, thủ tục hành chính, tạo ra sức hấp dẫn các nhà đầu tư vào địa bàn.

- Phát triển kinh tế gắn liền với bảo đảm công bằng xã hội và bảo vệ môi trường: phát triển nền KT gắn với phát triển hạ tầng kinh tế nông thôn để phát huy thế mạnh kinh tế nông nghiệp của huyện, tăng thu nhập và nâng cao mức sống dân cư nông thôn. Chú trọng đầu tư những ngành, lĩnh vực liên quan đến lợi thế của huyện, xây dựng mạng lưới đô thị của huyện theo nguyên tắc đảm bảo tổ chức hợp lý không gian lãnh thổ trước mắt cũng như lâu dài, tạo động lực để phát triển các khu vực nông thôn lân cận; từ đó tạo tiền đề cho phát triển không gian hài hòa, cân đối giữa các xã, thị trấn trên địa bàn. Đồng thời nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và phúc lợi cho nhân dân. Tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang các ngành phi nông nghiệp ngay trong nội bộ kinh tế nông thôn. Từng bước thực hiện công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông thôn; tạo ra sự chuyển biến cơ bản về văn hóa, giáo dục, y tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Chú trọng việc phát triển nguồn nhân lực có chất lượng ngày càng cao. Coi trọng giáo dục và đào tạo để nâng cao trình độ dân trí, trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu của tăng trưởng kinh tế nhanh và vững chắc. Phát triển kinh tế phải kết hợp chặt chẽ với bảo vệ môi trường sinh thái. Kết hợp hài hòa giữa khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên để tạo ra giá trị sản phẩm có hiệu quả kinh tế cao, đồng thời bảo vệ và phát triển môi trường sinh thái của huyện. 

- Phát triển kinh tế kết hợp quốc phòng, an ninh: Phát triển kinh tế - xã hội kết hợp chặt chẽ với quốc phòng, an ninh là quan điểm đúng đắn có tầm chiến lược để phát triển ổn định và bền vững.  Vì vậy, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội để phát triển huyện, vững chắc về quốc phòng và an ninh trên địa bàn huyện có ý nghĩa quan trọng cả trước mắt và lâu dài.

(2). Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân năm năm thời kỳ 2011 - 2015 đạt 20,22%, thời kỳ 2016-2020 đạt 20,33% , thời kỳ 2020 – 2030 đạt khoảng 20%.

- Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo xu hướng khu vực I ngày càng giảm, khu vực II và III ngày càng tăng. Đến năm 2020: khu vực I: 9,85%, khu vực II: 53,86% và khu vực III: 36,29% và đến năm 2030: khu vực I: 9,75%, khu vực II: 50,10% , khu vực III: 40,15%.

- Dự báo GDP bình quân đầu người đến năm 2015 khoảng 26,2 triệu đồng (theo giá cố định năm 1994: 14,6 triệu đồng) và đến năm 2020 54,9 triệu đồng (theo giá cố định năm 1994: 31,1 triệu đồng/người).

- Phát triển một xã hội lành mạnh, ổn định, đảm bảo việc làm cho người lao động, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực nông nghiệp, nông thôn sang các ngành công nghiệp, dịch vụ; nâng tỷ lệ lao động được đào tạo lên  45% vào năm 2015 và trên 70% vào năm 2020.

-  Hạn chế tốc độ gia tăng dân số, đảm bảo tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên giảm xuống mức bình quân khoảng 1,2% năm 2015; Đến năm 2020 đảm bảo tỷ lệ tăng dân số tự nhiên khoảng 0,9%.

- Phát triển văn hóa, thể thao, giáo dục, y tế, nâng cao mức sống hưởng thụ văn hoá, đảm bảo sức khoẻ cộng đồng dân cư.

- Nâng cao hạ tầng cơ sở khu vực nông thôn. Phát triển các khu vực nông thôn theo hướng phát triển nhiều ngành nghề; thực hiện điện khí hoá nông thôn đảm bảo hầu hết dân cư nông thôn được cấp điện, nước sạch và nâng cao chất lượng cung cấp điện, nước sạch vào năm 2020 và các giai đoạn tiếp theo.

- Thu hẹp sự chênh lệch giữa các vùng, các tầng lớp dân cư trong việc thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản.

- Tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh; đảm bảo sự an toàn xã hội, giảm tối đa các tệ nạn xã hội làm cơ sở cho ổn định và phát triển kinh tế.

(3). Định hướng phát triển dài hạn các ngành kinh tế:

a. Ngành nông nghiệp:

- Phát triển nông nghiệp trên cơ sở thâm canh, tăng sản lượng và chất lượng, giảm chi phí, đạt hiệu quả cao và sử dụng tài nguyên hợp lý. Phát triển toàn diện, đa canh cả trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, dịch vụ và công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp. Tập trung khai thác các lợi thế, hình thành và phát triển các vùng chuyên canh cây trồng vật nuôi chiến lược, trong đó mũi nhọn là cây CN dài ngày, trái cây, chăn nuôi đại gia súc: bò, trâu.

- Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xây dựng nên cơ cấu cân bằng giữa nông nghiệp – lâm nghiệp, trồng trọt – chăn nuôi – dịch vụ nông nghiệp hợp lý nhất, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp chế biến và ngành nghề nông thôn. Xây dựng mô hình canh tác tối ưu trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, kết hợp nông nghiệp với du lịch sinh thái để gia tăng giá trị sản lượng và lợi nhuận trên đơn vị diện tích đất nông nghiệp.

- Phát triển nông nghiệp phải đi đôi với xây dựng nông thôn mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đồng thời chú trọng nâng cao dân trí, đào tạo sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực ở nông thôn, tạo ra sự phân công lao động mới, giải quyết việc làm, nâng cao mức sống, xóa đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách về mức sống giữa thành thị và nông thôn.

b. Ngành công nghiệp và xây dựng:

- Về Công nghiệp:

+ Phát triển các khu công nghiệp tập trung và các cụm công nghiệp có quy mô lớn, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có tỷ lệ khoa học kỹ thuật cao, sức cạnh tranh lớn.

+ Tranh thủ các tác động ảnh hưởng lan toả tích cực từ sự phát triển mạnh mẽ các cơ sở công nghiệp lớn do trung ương và đầu tư nước ngoài, đầu tư trong nước…, trên địa bàn huyện, tỉnh và các trung tâm công nghiệp như Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương; chú trọng phát triển các ngành công nghiệp là cơ sở vệ tinh cho các nhà máy, khu công nghiệp lớn.

+ Gắn phát triển công nghiệp với các nguồn nguyên liệu, chú trọng thu hút đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông sản, các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may – giày da …

+ Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp và nông thôn, quan tâm các cơ sở sản xuất công nghiệp với quy mô vừa và nhỏ.

+ Nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật, chú trọng đào tạo nguồn lực để cung cấp lao động cho phát triển công nghiệp

- Về Xây dựng:

+ Đẩy mạnh thực hiện các chương trình và dự án đầu tư, tăng cường công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý kiến trúc, cảnh quan đô thị và quản lý chất lượng công trình. Kết hợp chặt chẽ việc cải tạo các đô thị cũ với xây dựng các khu đô thị mới.

+ Phát triển đô thị trong mối quan hệ gắn bó với các vùng dân cư nông thôn. Sử dụng hợp lý, phát huy hiệu quả các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội, tôn tạo cảnh quan thiên nhiên và bảo vệ môi trường sinh thái.

+ Triển khai thực hiện tốt việc lập quy hoạch chi tiết xây dựng các khu dân cư nông thôn, phù hợp với phát triển kinh tế trang trại và xây dựng các vùng chuyên canh cây công nghiệp, ổn định nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.

+ Đẩy mạnh đầu tư xây dựng nông thôn mới, cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng cơ sở nông thôn, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhằm tạo tiền đề phát triển kinh tế-xã hội nông thôn.

c. Thương mại – dịch vụ:

- Phát triển các ngành thương mại - dịch vụ trong giai đoạn tới cần đặt trong mối quan hệ đa phương, mở rộng giao thương với các khu vực sôi động của Tp.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, thị trường vùng Duyên Hải Miền Trung, Đồng Bằng Sông Cửu Long và đặc biệt là thị trường nước ngoài về xuất khẩu hàng nông sản, nhập khẩu và cung ứng vật tư, thiết bị công nghệ, hàng hóa phục vụ sản xuất, dân sinh trên địa bàn.

- Tiếp tục thúc đẩy phát triển thương mại nội địa và không ngừng mở rộng thị trường đối với không chỉ các vùng lân cận mà còn sang các nước khu vực Đông Nam Á; tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: cung ứng các mặt hàng công cụ, nguyên liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp; tiêu thụ các sản phẩm được sản xuất tại địa phương; cung ứng các mặt hàng tiêu dùng, nhu yếu phẩm…

- Đẩy mạnh thương mại xuất khẩu, đặc biệt đẩy mạnh thương mại xuất khẩu hàng hóa nông sản và các sản phẩm công nghiệp.

- Về dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện chỉ tập trung phát triển 2 loại hình: Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch văn hóa, lễ hội và di tích. Định hướng dài hạn trên địa bàn huyện sẽ phát triển tuyến du lịch sinh thái: Ngãi Giao – Bàu Sen – Hòa Bình – Bàu Lâm; các khu du lịch: Thác Hoà Bình, khu du lịch Kim Long, khu du lịch Thanh Bình, khu du lịch phức hợp Hồ Suối Giàu, khu du lịch Xuân Sơn – Ngãi Giao.

(4).Quan điểm sử dụng đất dài hạn

(1) Tài nguyên đất đai thuộc loại tài nguyên có nguồn gốc cố định. Vì vậy, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đóng một vai trò quan trọng để thiết lập một hệ thống sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững. Hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hợp lý cho phép sử dụng nguồn tài nguyên đất và nguồn vốn đất đai nhằm mục tiêu ổn định chính trị, phát triển kinh tế và công bằng xã hội. Đồng thời tạo lập được một hệ thống quản lý đất đai có thể chế hành chính chặt chẽ, thủ tục hành chính đơn giản và điều tiết hợp lý lợi ích trong quan hệ đất đai.

(2) Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là cơ sở để thực hiện việc kế hoạch hóa quá trình chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất đồng bộ với quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu đầu tư. Từ đó tạo bước đi hợp lý cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn huyện.

(3) Quan điểm quy hoạch các đất công nghiệp: Trong định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và huyện Châu Đức đã nhìn nhận: giai đoạn tới và tương lai Châu Đức sẽ trở thành một huyện công nghiệp, trong cơ cấu kinh tế của huyện ngành kinh tế công nghiệp chiếm vị trí chủ đạo (chiếm 53,86 % vào năm 2020). Vì vậy, trong bố trí quy hoạch sử dụng đất cần phải ưu tiên giành đất cho phát triển các khu cụm công nghiệp nhằm là cơ sở thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nói riêng và nền kinh tế của huyện nói chung.

(4) Quan điểm quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng và đô thị hóa: nhìn chung huyện Châu Đức là địa phương có mức độ đô thị hoá và cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn thấp. Vì vậy, phải ưu tiên giành quỹ đất cho đô thị hóa và đất phát triển cơ sở hạ tầng, bao gồm nhu cầu các ngành: giáo dục, văn hóa thể thao, y tế, giao thông, thủy lợi, an ninh quốc phòng….

(5) Về đất phát triển khu dân cư nông thôn và đất ở nông thôn: Sử dụng đất phải đáp ứng nhu cầu đất ở của mỗi thành viên trong xã hội, đảm bảo chất lượng môi trường sống. Đất ở cần được bố trí tập trung,  trên cơ sở mở rộng khu dân cư cũ hoặc hình thành khu dân cư mới nhưng quy mô đủ lớn để tiết kiệm đất xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Hạn chế và chấm dứt giao đất thổ cư tản mạn, phân tán chưa có quy hoạch. Tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh các khu dân cư đã quy hoạch, dần dần nâng cấp thành những khu dân cư kiểu mẫu, hoàn chỉnh hạ tầng cơ sở. Về định mức bố trí khoảng 300m2/hộ.

(6) Quan điểm khai thác sử dụng đất nông nghiệp (bao gồm đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản):  Nhằm phát huy lợi thế về vị trí, tài nguyên đất đai và truyền thống sản xuất nông lâm nghiệp vốn có của huyện trong bố trí sử dụng đất dựa trên các quan điểm sau:

- Sản xuất nông nghiệp phải gắn với thị trường, xuất khẩu và công nghiệp chế biến; tăng cường đầu tư khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất nhằm  tăng chất lượng, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất tập trung lớn với các cây trồng chủ lực có hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh cao.

- Chọn lựa cây trồng, vật nuôi chiến lược của huyện theo ưu tiên thứ tự như sau: Về cây trồng gồm: Cao su, Tiêu, Cà phê, điều, Cây ăn trái, các cây hàng năm như bắp, mì, đậu… sản xuất trên cơ sở tận dụng đất trong thời gian cây lâu năm và rừng trồng chưa giao tán. Chăn nuôi: Bò, trâu, heo và gia cầm.

(7) Về môi trường: Đất là tư liệu sản xuất đặc biệt, là tài nguyên tự nhiên không thể  tái tạo được, là hợp thành của môi trường sống và cũng là vật mang của tất cả các hệ sinh thái tự nhiên và các hệ sinh thái canh tác. Do đó, đất có khả năng chi phối phát triển hay hủy diệt các thành phần khác của môi trường. Vì vậy, khai thác sử dụng đất phải đi đôi với bảo vệ môi trường  đất để sử dụng ổn định lâu dài và bền vững.

- Trong nông nghiệp việc sử dụng đất tối ưu phải được coi là nền tảng để xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, với phương châm đất nào cây ấy, phải gắn chặt Đất - Nước - Khí hậu với cây trồng thành một thể thống nhất. Châu Đức là một huyện có khá nhiều hệ thống thủy lợi với nhiều công trình có quy mô lớn, tuy nhiên, hiện tại khả năng khai thác cung cấp nước tưới cho nông nghiệp là chưa nhiều, vì vậy trong phát triển nông nghiệp cần phải đi đôi với việc xây dựng hệ thống kênh thủy lợi và lựa chọn cây trồng.

- Bố trí hài hòa sử dụng đất cho các ngành: Lâm nghiệp, nông nghiệp, bảo đảm cân bằng sinh thái và một nền sản xuất lâu bền.

- Trong công nghiệp cần xác định những phân khu chức năng, loại hình công nghiệp, tính độc hại của các chất thải để bố trí cho phù hợp với môi trường xung quanh. Đồng thời có biện pháp xử lý các chất thải, hạn chế gây ô nhiễm đất phá hoại sự cân bằng trong hệ sinh thái đất.

(5). Định hướng sử sụng đất dài hạn

Sử dụng quỹ đất là một quá trình động để tạo hiệu quả phát triển KT-XH; một phần quỹ đất nông nghiệp được chuyển sang sử dụng cho mục đích phi nông nghiệp đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội và kinh tế; cơ cấu sử dụng đất trong từng loại đất nông nghiệp, phi nông nghiệp cũng chuyển đổi theo nhu cầu thị trường. Trong quá trình chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất có thể dự báo được những yếu tố mang tính mục tiêu lâu dài mà chúng ta phải đạt được trong toàn bộ quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Dự báo dài hạn về sử dụng đất huyện Châu Đức đến năm 2030 như sau:

Bảng 3.2 Định hướng sử dụng đất dài hạn huyện Châu Đức

                                                                                                                       Đơn vị tính: ha

STT Lọai hình sử dụng đấ

Hiện trạng

năm 2010

Định hướng

đến 2030

Tăng(+), giảm(-)

So với 2010

1 2 3 4 5 6=5-4
A

DIỆN TÍCH ĐẤT TỰ NHIÊN

  42.457 42.457 0
1- Đất nông nghiệp NNP 35.572 28.456 -7.116
  Trong đó:        
  - Đất trồng lúa nước CHN 2817 1100 -1.717
  - Đất trồng cây lâu năm CLN 25.724 21.000 -4.724
  - Đất lâm nghiệp   570 503 -67
  - Đất nuôi trồng thuỷ sản NTS 146 200 54
2- Đất phi nông nghiệp PNN 6.851 14.000 7.149
  Trong đó:        
  - Đất khu công nghiệp SKK 1895 4.000 2.105
  - Đất cơ sở sản xuất kinh doanh SKC 70 1.000 930
  - Đất hoạt động khoáng sản –VLXD SKS- SKX 100 700 600
  - Đất có cơ sở hạ tầng DHT 3.335 5.000 1.665
  - Đất ở ODT-ONT 933 2.000 1.067
3- Đất chưa sử dụng CSD 34   -34
B ĐẤT ĐÔ THỊ CSD 1377 5000 3.623
C

ĐẤT KHU DU LỊCH

CSD   800  

 

a. Dự báo sử dụng đất sản xuất nông nghiệp:

Châu Đức là huyện có nhiều lợi thế về tài nguyên đất cho phát triển nông nghiệp. Trong đó thế mạnh là sản xuất các cây trồng làm nguyên liệu cho công nghiệp, hàng hóa cho xuất khẩu như cao su, tiêu, cà phê, điều và các loại cây ăn quả. Từ nay đến năm 2020 và xa hơn nữa kinh tế nông nghiệp vẫn là một thế mạnh của huyện. Vì vậy, phải quy hoạch một diện tích đất nông nghiệp thích hợp nhằm đảm bảo cho việc sản xuất các loại sản phẩm phục cho cho công nghiệp và xuất khẩu là rất cần thiết.

Đất sản xuất nông nghiệp năm 2010 của huyện Châu Đức 35.572 ha. Trong những giai đoạn  tới, đến năm 2030 khả năng đất nông nghiệp phải chuyển sang cho mục đích sử dụng phi nông nghiệp khoảng hơn 7.000 ha. Đất nông nghiệp huyện Châu Đức về lâu dài sẽ giữ ổn định khoảng 28.000 - 29.000 ha. Trong đó: Diện tích đất sản xuất nông nghiệp sẽ vào khoảng 27.000- 28.000 ha, diện tích này thỏa mãn cho mục tiêu phát triển các cây trồng truyền thống cho sản phẩm phục vụ công nghiệp và xuất khẩu cao của tỉnh. Trong đó cây cao su khoảng 11.000 ha; cây cà phê khoảng 3.500 ha;  cây tiêu khoảng 4.000 ha; cây điều khoảng 1.000 ha và cây ăn quả khoảng 500 ha. Đáp ứng khối lượng sản phẩm lớn cho công nghiệp và xuất khẩu.  Giai đoạn 2010-2020 đất nông nghiệp sẽ ổn định khoảng 30.000 -32.000 ha; đất sản xuất nông nghiệp khoảng 27.000-28.000 ha.

b. Dự báo đất lâm nghiệp

Phát triển kinh tế - xã hội phải luôn luôn gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái. Chính vì vậy, trong định hướng sử dụng đất lâm nghiệp dài hạn của huyện cần phải ổn định diện tích rừng (đặc biệt là rừng phòng hộ) và giảm thiểu diện tích đất lâm nghiệp chuyển sang các mục đích sử dụng khác. Hiện trạng năm 2010, toàn huyện có 570 ha đất lâm nghiệp, trong đó hầu hết diện tích là đất rừng phòng hộ (503 ha). Dự báo dài hạn khả năng đất lâm nghiệp sẽ ổn định khoảng 503 ha, là diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn cho một số công trình thủy lợi trên địa bàn Tỉnh và vùng Đông Nam Bộ. Trong giai đoạn tới tăng cường công tác, trồng, khoanh nuôi và bảo vệ rừng, tăng cường độ che phủ rừng nhằm bảo vệ môi trường sinh thái huyện Châu Đức nói riêng và vùng ĐNB nói chung.

c. Dự báo dài hạn đất phi nông nghiệp.

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đòi hỏi một quỹ đất phi nông nghiệp đáng kể để phát triển công nghiệp, dịch vụ và cơ cơ sở hạ tầng. Khả năng ước tính trong 20 năm nữa, quỹ đất này sẽ vào khoảng  14.000 ha để thỏa mãn các nhu cầu phát triển công nghiệp, dịch vụ, giao thông, văn hóa, y tế, thể dục - thể thao, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ. Trong đó cho CN khoảng hơn 4.000 ha; thương mại dịch vụ khoảng 1.000 ha, đất cho phát triển hạ tầng cơ sở khoảng 4.500 -5.000 ha. Trong giai đoạn 10 năm tới (đến năm 2020) đất phi nông nghiệp sẽ vào khoảng 11.000 ha, trong đó cho CN khoảng hơn 3.000 ha; thương mại dịch vụ khoảng 700 ha, đất cho phát triển hạ tầng cơ sở khoảng 4.400 ha.

  • Đất phát triển khu công nghiệp, thương mại dịch vụ:

- Nhằm phát huy lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên, các tác động lan tỏa tích cực từ sự phát triển mạnh mẽ của các khu vực lân cận như huyện Tân Thành, thành phố Bà Rịa, trung tâm công nghiệp cảng biển Phú Mỹ, định hướng quy hoạch công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp huyện Châu Đức với 3 khu CN và các cụm tiểu thủ công nghiệp sau:

TÊN KHU CỤM CN

ĐỊA ĐIỂM XÃ

DIỆN TÍCH (ha)

KHU CÔNG NGHIỆP

 

3.300

Khu CN – Đô thị Châu Đức 1

Suối Nghệ, Nghĩa Thành

2.200

Khu CN  chuyên sâu

Đá Bạc, Suối Rao

1.100

QH CỤM CN - TTCN

 

700

TỔNG CỘNG

 

4.000

Nguồn: ĐCQH công nghiệp-TTCN huyện Châu Đức đến năm 2020

- Định hướng phát triển dài hạn về thương mại dịch vụ như sau:

+ Trong giai đoạn tới tiếp tục thúc đẩy phát triển mạnh thương mại nội địa và gia tăng xuất khẩu hàng hoá. Đến năm 2020 trên địa bàn huyện xây dựng 2 trung tâm đô thị lớn là đô thị Ngãi Giao và đô thị Kim Long cùng với hệ thống chợ ở các xã sẽ là tiền đề thúc đẩy phát triển mạnh ngành thương mại của huyện..

+ Giai đoạn 2010-2020: Hướng tới hình thành các khu du lịch quy mô lớn, hiện đại. Trong giai đoạn 2011-2015 tiến hành công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng để triển khai đến năm 2020 các khu du lịch theo quy hoạch phát triển ngành du lịch của tỉnh như sau:

* Thác Hòa Bình (xã Sơn Bình),

* Khu du lịch Kim Long (xã Kim Long và Bàu Chinh),

* Khu du lịch Thanh Bình (xã Sơn Bình),

* Khu du lịch phức hợp Hồ Suối Giàu (xã Suối Rao),

* Khu du lịch Xuân Sơn – Ngãi Giao

  • Đất phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng: Gắn liền với phát triển công nghiệp, dịch vụ là đòi hỏi nhu cầu phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng phải tương ứng. Chính vì vậy, định hướng sử dụng đất dài hạn, quỹ đất cần cho mục đích xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng sẽ vào khoảng 4.500- 5.000 ha, trong đó: Đất giao thông khoảng 2.200 ha; Đất thủy lợi khoảng 1.800 ha; Các đất giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao… khoảng 500-700 ha. Quy hoạch quỹ đất này phải được tính toán chặt chẽ để chủ động kiểm soát quá trình chuyển mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp.

d. Dự báo đất phát triển khu dân cư:

Định hướng phát triển khu dân cư nông thôn trong giai đoạn tới như sau:

- Ổn định khu dân cư hiện hữu: trên cơ sở các khu dân cư hiện hữu năm 2010, nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu đất ở của sự phát triển dân số (đặc biệt các hộ dân cư tồn đọng và tự giãn), trong giai đoạn 2010- 2020, tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, gia tăng mật độ dân cư, xây dựng và hoàn thiện các khu dân cư tập trung hiện hữu theo tiêu chuẩn xây dựng nông thôn mới; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, văn hóa và ổn định xã hội của huyện.

- Xây dựng các khu, cụm dân cư tập trung mới: do nhu cầu phát triển về công nghiệp, thương mại, dịch vụ và các công trình phi nông nghiệp khác, việc thu hồi diện tích xây dựng  các công trình đã ảnh hưởng không nhỏ đến đến đời sống an sinh của dân cư trong khu vực. Chính vì vậy đòi hỏi việc bố trí xây dựng các khu dân cư  tập trung mới: khu dân cư tái định cư, khu dân cư  kết hợp thương mại, khu dân cư, nhà ở công nhân, nhà ở người có thu nhập thấp… là hết sức cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu phát sinh về đất ở; đảm bảo sự an sinh của cộng đồng dân cư và ổn định xã hội.

-   Phát triển các cụm, tuyến dân cư mới:  Để đáp ứng nhu cầu  về đất ở do sự gia tăng dân số (chủ yếu là dân số tại chỗ), yêu cầu phát triển mở rộng và mở mới các cụm tuyến dân cư dọc theo một số tuyến giao thông chính là hết sức cần thiết nhằm đáp ứng được nhu cầu đất ở này và thuận lợi trong quản lý dân cư cũng như đầu tư phát triển hạ tầng.

- Theo dự báo dân số huyện Châu Đức đến năm 2030 khoảng 210.000 người, trong đó khoảng 22-25% dân số đô thị và 75-78% dân số nông thôn. Để bảo đảm nhu cầu đất ở cho dân số nói trên, đến năm 2030 cần một quỹ đất ở nông thôn khoảng hơn 2.000 ha  (bình quân đất khoảng nông thôn 100m2/ng, đất ở đô thị bình quân 85m2/ng). Cần thiết phải quy hoạch chỉnh trang các khu dân cư hiện có và phát triển các khu dân cư mới đáp ứng nhu cầu đất ở, dịch vụ công cộng cho người dân với mức sống có chất lượng cao. Quy hoạch sử dụng quỹ đất này phải kết hợp chặt chẽ với quy hoạch các đất phi nông nghiệp khác như đất công nghiệp, đô thị và các khu dân cư nông thôn để kiểm soát hoàn toàn quá trình đô thị hóa.

Ban biên tập Cổng thông tin điện tử huyện Châu Đức