|
Chào mừng các bạn đến với Cổng thông tin điện tử huyện Châu Đức

Giới thiệu tổng quan về huyện Châu Đức

Huyện Châu Đức được thành lập và hoạt đồng từ tháng 8/1994 theo Nghị định số 45/1994/NĐ-CP ngày 02/6/1994 của Chính phủ, là một huyện nông nghiệp của tỉnh, phía bắc giáp huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai, phía nam giáp huyện Đất Đỏ và Thành phố Bà Rịa, phía tây giáp huyện Tân Thành, phía đông giáp huyện Xuyên Mộc. Tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 42.456,61 ha, toàn huyện đến nay có 16 đơn vị hành chính, gồm 15 xã và 1 thị trấn Ngãi Giao. Dân số trung bình của huyện hiện nay khoảng 157.816 người, lao động trong độ tuổi là 101.791 người.

Ảnh: Bản đồ diện tích huyện Châu Đức.

Thông tin địa lý, hành chính

Diện tích tự nhiên 42.456.61 km², dân số khoảng 157.816 người. Có 16 đơn vị hành chính gồm 15 xã và 1 thị trấn. Đó là thị trấn Ngãi Giao va các xã: Cù Bị, Xà Bang, Quảng Thành, Láng Lớn, Bàu Chinh, Bình Ba, Suối Nghệ, Bình Trung, Bình Giã, Xuân Sơn, Sơn Bình, Suối Rao, Đá Bạc, Nghĩa Thành, Kim Long.

Thổ nhưỡng

Hầu hết đất đai của huyện là đất đỏ, vàng và đen trên nền đất Bazan (chiếm tỷ lệ 85,8% tổng diện tích đất) thuộc loại đất rất tốt, có độ phì cao, rất thích hợp cho việc trồng các loại cây lâu năm như: cao su, cà phê, tiêu, điều, cây ăn trái và các cây hàng năm như: bắp, khoai mì, đậu các loại, bông vải... Đây thực sự là một thế mạnh so với các huyện khác trong tỉnh. Một số cây trồng tuy không chiếm tỷ lệ cao, song có diện tích trồng khá lớn như cây điều, cây ăn trái, khoai mì…

Nông nghiệp

Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch tích cực theo hướng từng bước tăng dần tỷ trọng ngành chăn nuôi, ước đến hết năm 2015, tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm 34,9%, trồng trọt chiếm 65,1%. Giá trị sản xuất bình quân 01 ha đất nông nghiệp đạt 90 triệu đồng, so với năm 2010 tăng 64 triệu đồng.  

Quy hoạch phát triển nông nghiệp - nông thôn và triển khai quy hoạch chăn nuôi đến năm 2020 đã tạo thuận lợi trong việc định hướng phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Từng bước hình thành một số vùng sản xuất tập trung phù hợp với lợi thế đối với từng vùng, loại cây trồng, vật nuôi là thế mạnh nông nghiệp của huyện như hồ tiêu, chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng gắn với nhu cầu thị trường. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp được ứng dụng rộng rãi và có hiệu quả góp phần tăng năng suất, chất lượng nông sản và hạ giá thành sản xuất cho nông dân. Hầu hết cây trồng hàng năm được sử dụng giống mới từ đó cho năng suất cao; chăn nuôi gia súc, gia cầm trong chuồng lạnh, kết hợp với giống mới, kỹ thuật chăm sóc hiện đại góp phần tăng năng suất, chất lượng thịt và hiệu quả chăn nuôi.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo. Xã Quảng Thành đạt 19/19 tiêu chí đã được UBND tỉnh công nhận xã điểm nông thôn mới. Đối với các xã nông thôn mới giai đoạn 2013 – 2015, hiện nay trung bình mỗi xã đạt khoảng 14 tiêu chí; dự kiến đến cuối năm 2015 có 02/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 14,29%. Tổng số vốn được huy động đầu tư xây dựng nông thôn mới 1.400 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách 356 tỷ đồng, vốn dân đóng góp 445 tỷ đồng, còn lại các nguồn vốn khác.

Công nghiệp

Lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục phát triển, dự kiến đến năm 2015 có 870 cơ sở, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh, so với năm 2011 tăng 20 cơ sở, doanh nghiệp. Cụm công nghiệp Ngãi Giao giá trị sản xuất khoảng 2.578 tỷ đồng/năm; khu Công nghiệp - Đô thị Châu Đức đang được tiếp tục đầu tư hạ tầng kỹ thuật và kêu gọi đầu tư; khu Công nghiệp Đá Bạc đã được khởi công và đang trong giai đoạn đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Hoạt động ngành tiểu thủ công nghiệp được duy trì và ổn định sản xuất, đáp ứng một phần nhu cầu của thị trường tại chỗ và phục vụ thị trường lân cận.

Thương mại dịch vụ

Xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa chợ Kim Long, Ngãi Giao và một số chợ xã; các mô hình kinh doanh thương mại khác như cửa hàng tự chọn, siêu thị điện máy; loại hình dịch vụ như hoạt động tín dụng ngân hàng, dịch vụ bảo hiểm, vận tải, cơ sở lưu trú, thông tin liên lạc góp phần giúp cho ngành thương mại, dịch vụ ngày càng phát triển. Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ được tăng cường, thường xuyên kiểm tra chống hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại, góp phần đảm bảo cho môi trường kinh doanh ổn định, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và kích thích kinh tế phát triển.

Đầu tư và phát triển

Giai đoạn 2011-2015 đưa vào sử dụng tổng số 399 công trình, với tổng vốn ngân sách 1.856 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp 3.680 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách Nhà nước do UBND tỉnh quyết định đầu tư 38 công trình với tổng giá trị thực hiện 1.402 tỷ đồng, ước giá trị thanh toán khối lượng thực hiện đến cuối năm 2015 là 1.398 tỷ đồng/1.402 tỷ đồng, đạt 99,6% theo kế hoạch vốn giao. Nguồn vốn ngân sách Nhà nước do UBND huyện quyết định đầu tư 361 công trình với tổng giá trị thực hiện 454 tỷ đồng, ước giá trị thanh toán khối lượng thực hiện đến cuối năm 2015 là 450 tỷ đồng/454 tỷ đồng, đạt 99% theo kế hoạch vốn giao.

Toàn huyện có 896 km đường giao thông. Các trục giao thông chính gồm quốc lộ, tỉnh lộ và các tuyến đường liên xã cơ bản được nâng cấp láng nhựa; 100% xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm. Có 245 km đường giao thông nông thôn do huyện quản lý đã được nhựa hóa.

Mạng lưới điện phủ kín khu dân cư tập trung trên địa bàn toàn huyện đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, có trên 99,6% số hộ dân được cấp điện sinh hoạt.

Sau 20 năm thành lập và phát triển, thị trấn Ngãi Giao cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại IV, xã Kim Long đạt các tiêu chí đô thị loại V.

Tài nguyên và Môi trường

   Công tác lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011 – 2015 được thực hiện đồng bộ cấp huyện và các xã, thị trấn. Việc thực hiện thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất tuân thủ theo đúng kế hoạch, quy hoạch đã được phê duyệt. Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được tập trung chỉ đạo, đã cấp được 34.989,84 ha, đạt tỷ lệ 95,37% so với diện tích các loại đất thuộc đối tượng cần phải cấp giấy chứng nhận.

Chỉ đạo tăng cường kiểm tra và xử lý các trường hợp khai thác vật liệu san lấp không phép, trái phép, đồng thời kiểm tra và xử lý tình hình gây ô nhiễm môi trường đối với hoạt động sản xuất, chăn nuôi. Công tác lập và triển khai kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu được thực hiện nghiêm túc. Công tác quản lý tài nguyên nước, chất lượng nước sinh hoạt trong nhân dân ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch đạt 52%, tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99%.

Công tác quản lý, chăm sóc diện tích rừng hiện có được thực hiện thường xuyên, độ che phủ cây xanh đến cuối năm 2015 đạt 65,34%.

Văn hóa xã hội

Cơ sở vật chất ngành giáo dục và đào tạo được đầu tư đáp ứng nhu cầu dạy và học . Xây mới 12 trường học, hiện nay tất cả các xã, thị trấn cơ bản có đủ các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở (còn trường tiểu học xã Bàu Chinh dự kiến xây và hoàn thành vào cuối năm 2015). Tỷ lệ học sinh đạt khá, giỏi trong rèn luyện, học tập và đạt thành tích trong các kỳ thi học sinh giỏi, thi đậu tốt nghiệp, đậu vào các trường đại học, cao đẳng hàng năm đều tăng. Công tác phổ cập giáo dục trẻ em mầm non 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập THCS được duy trì và đạt kết quả tốt. Dự kiến đến cuối năm 2015, tỷ lệ trẻ dưới 3 tuổi đi nhà trẻ đạt 31,6%, trẻ từ 3 - 5 tuổi đi mẫu giáo đạt 87,34%, huy động trẻ 6 tuổi nhập học đạt 100%. Học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào học THCS đạt 99,5% . Thanh, thiếu niên trong độ tuổi đã tốt nghiệp THCS vào học các trường THPT, bổ túc THPT, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề đạt 99%. Dự kiến đến cuối năm 2015 có 36/72 trường đạt chuẩn Quốc gia, đạt tỷ lệ 50%.

Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đời sống và quản lý Nhà nước được quan tâm. Thực hiện tốt việc ứng dụng các kỹ thuật cao trong chăn nuôi, trồng trọt; các ngành nghề công nghiệp và tiểu thủ công cũng có sự phát triển và chiều hướng tăng trưởng tích cực; công nghệ thông tin được áp dụng phục vụ công tác quản lý hành chính, dạy học và phát triển kinh tế - xã hội.

Hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở được tập trung củng cố về nhân sự, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, ngoài ra, hệ thống y tế tư nhân ngày càng phát triển cùng với y tế công lập thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Trên địa bàn huyện có 01 bệnh viện tỉnh (Bệnh viện Tâm thần), 01 phòng khám đa khoa tư nhân, Trung tâm Y tế huyện và 16 trạm Y tế xã, thị trấn. Trung tâm y tế huyện được công nhận bệnh viện đa khoa tuyến huyện hạng III với quy mô 80 giường bệnh thực hiện chức năng khám, chữa bệnh và y tế dự phòng, số bệnh nhân đến khám bình quân hàng năm 233.897 lượt. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh do đó không có dịch bệnh lớn và trường hợp tử vong. Công tác dân số kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe trẻ em có nhiều tiến bộ; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được quan tâm và đạt được nhiều kết quả tích cực. Kết quả giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 11%; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1,18%; tỷ lệ xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế 81,3%; tỷ lệ trạm y tế có bác sĩ đạt 50%; số bác sỹ/10.000 dân đạt 3,2); trẻ dưới 01 tuổi được tiêm đầy đủ các loại vắc xin đạt 100%; mức giảm sinh con thứ ba trở lên đạt 1,2%; dân số trung bình đến năm 2015 là 154.310 người.

Trung tâm Văn hóa, Thông tin - Thể thao, Thư viện huyện, Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng các xã, thị trấn được đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp, đầu tư trang thiết bị đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, giải trí của người dân. Các hoạt động văn hóa văn nghệ, thông tin tuyên truyền, giáo dục truyền thống đã phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Mức hưởng thụ văn hóa của người dân đạt 35,2 lần/người/năm; tỷ lệ người luyện tập thể dục thể thao thường xuyên đạt 30,1%/tổng số dân; tỷ lệ hộ gia đình thể thao đạt 24,1%/tổng số hộ. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được quan tâm triển khai thực hiện, đến năm 2015 có 94% số hộ đạt tiêu chuẩn văn hóa; số thôn, ấp, khu phố được công nhận danh hiệu văn hóa đạt 87,6%; 5/16 xã đạt danh hiệu văn hóa chiếm 31,25%.

Thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa và các chính sách an sinh xã hội. Trợ cấp kinh phí thường xuyên và 01 lần cho người có công và thân nhân số tiền 81,4 tỷ đồng. Xây 398 căn nhà đại đoàn kết, cấp 67.966 lượt thẻ BHYT; hỗ trợ vay vốn 2.705 hộ nghèo, bình quân 541 hộ/năm; tổ chức dạy nghề cho 4.033 lao động/115 lớp, bình quân 806 lao động/năm, trong đó đã giải quyết việc làm cho 2.400 học viên, bằng các nguồn lực tại địa phương đã giải quyết việc làm cho 22.500 lao động; tỷ lệ lao động xã hội qua đào tạo đạt 55% lao động xã hội. Tính đến cuối năm 2015, số hộ nghèo còn 612 hộ, chiếm tỷ lệ 2%.

Các chính sách về tôn giáo được thực hiện tốt, đa số các tu sĩ, chức sắc tôn giáo, đồng bào có đạo chấp hành nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xử lý nghiêm, đúng pháp luật các trường hợp truyền đạo, xây dựng, cơi nới cơ sở thờ tự trái pháp luật. Thực hiện tốt công tác chăm lo ổn định đời sống và nâng cao dân trí cho đồng bào dân tộc như: Chương trình 135 giai đoạn II (2009-2015) với tổng số vốn đầu tư trên 75 tỷ đồng; chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (2010-2015) với tổng số vốn đầu tư trên 90 tỷ  đồng và các chính sách khác có liên quan; qua gần 5 năm thực hiện, có 03/04 xã đặc biệt khó khăn gồm xã Bàu Chinh, Sơn Bình, Cù Bị ra khỏi chương trình 135 và 11/14 xã ra khỏi khu vực xã khó khăn.

Du lịch

Đến Châu Đức, du khách có thể ghé thăm Tượng đài chiến thắng Bình Giã; Địa đạo Kim Long ghi dấu chiến công vang dội trong kháng chiến chống Mỹ trên vùng đất Bà Rịa - Vũng Tàu; Thắng cảnh Bàu Sen với khu rừng mọc trên vùng sình lầy quanh năm ngập nước. Trong rừng có nhiều loại gỗ quý chịu nước: bời lời, dâu nước, sao và bụi rậm dây leo: mây, song, tre… Bao quanh khu rừng là mảnh đất sình lầy rộng khoảng 10ha. Suối Tầm Bó bắt nguồn từ Cẩm Mỹ chảy ngang qua khu rừng cung cấp nước ngọt và các loại thuỷ sản: cá cua, ốc, lươn… sinh sôi nảy nở tạo nên kho thực phẩm thiên nhiên dồi dào rất hấp dẫn cho những chuyến du lịch dã ngoại, nơi đây cũng là căn cứ hoạt động cách mạng.

Năm 1983 Ủy Ban Nhân Tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định 1050/QĐ-UBT xếp hạng bảo vệ di tính lịch sử khu căn cứ Bàu Sen. Đặc biệt với thắng cảnh thác Xuân Sơn du khách sẽ được hòa mình trong không khí trong lành, cảnh thiên nhiên rất thích hợp cho du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

Ban Biên Tập Cổng thông tin điện tử huyện Châu Đức